Cổ phiếu TCB và MSN tăng mạnh sau thông tin cổ tức, HVN tăng kịch biên độ
Tiếp tục giữ được sắc xanh trong cả phiên, VN-Index duy trì đà phục hồi với sự hỗ trợ đắc lực của nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn, đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung. Trong đó, hai trụ đỡ lớn nâng đỡ trong hầu hết thời gian giao dịch là cổ phiếu TCB và MSN. Cổ phiếu Techcombank lình xình ở vài phút đầu phiên, nhưng sau đó bật tăng mạnh nhờ thông tin chốt quyền trả cổ tức 15% bằng tiền. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt là 22/5/2024. Tỷ lệ thực hiện là 15%/cổ phần, tức 1 cổ phần nhận 1.500 đồng. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 5.283 tỷ đồng. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là 5/6/2024.
Masan - doanh nghiệp sở hữu 19,9% lợi ích tại TCB cũng được hưởng lợi với mức chi trả cổ tức nói trên, Masan có thể nhận về hơn 1.000 tỷ đồng “tiền tươi” từ TCB. MSN cũng tăng mạnh hôm nay. Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán vốn hoá vừa và nhỏ như FTS, BVS, BSI... cũng đồng loạt tăng.
TCB phiên hôm nay tác động tích cực nhất đến VN-Ịndex khi đóng góp 1,16 điểm. Chốt phiên, TCB tăng gần 2,9%. Tiếp sau đó, VCB cũng đóng góp 0,81 điểm khi tăng 0,65%, MSN đóng góp 0,66 điểm và tăng 2,65%...
HVN cũng trở thành tâm điểm của thị trường khi tăng kịch biên độ chỉ sau hơn 10 phút mở cửa. Báo cáo tài chính quý I/2024 vừa công bố cho thấy kết quả tích cực với lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ gần 1.500 tỷ đồng và hợp nhất đạt hơn 4.441 tỷ đồng, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu hấp thụ mạnh mẽ đã nhanh chóng kéo cổ phiếu này tăng kịch trần.
Ở chiều ngược lại, GVR, FPT, LPB... điều chỉnh và tạo áp lực lên VN-Index. GVR giảm 2% và lấy đi của chỉ số này 0,59%. FPT cũng giảm trở lại sau chuỗi này đi lên liên tiếp với mức giảm 1,1% và lấy đi của VN-Index 0,44 điểm.
Top 10 cổ phiếu tác động lên VN-Index. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,67 điểm (0,38%) lên 1.221,03 điểm. Toàn sàn có 223 mã tăng, 200 mã giảm và 80 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,32%) lên 228,22 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 75 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,09%) lên 89,78 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư có phần bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu quỹ ETF mô phỏng chỉ số VNDiamond. Theo đó, đa phần giao dịch của quỹ ETF diễn ra mạnh vào phiên ATC và có thể khiến thị trường biến động mạnh cũng như gây nhiễu cho nhà đầu tư.
Tâm điểm của thị trường phiên hôm nay tập trung vào cổ phiếu MWG, trong phiên, MWG tăng mạnh gần 2,7% nhưng sau đó do hoạt động cơ cấu của quỹ ETF nên lùi về gần mốc tham chiếu. Ở kỳ cơ cấu này, MWG bị loại khỏi danh mục chỉ số VNDiamond do không thoả mãn yêu cầu về hệ số P/E. Cùng với đó, các cổ phiếu tăng mạnh đột biến theo chiều tăng vào cuối phiên hôm nay có NLG, HDB, KDH, ACB hay GMD...
Khối ngoại mua ròng 552 tỷ đồng
Dòng tiền trên thị trường khá yếu khiến đà tăng của thị trường chung không được kéo dài. Thay vào đó, đa phần thời gian của phiên giao dịch, các chỉ số biến động hẹp dù duy trì được sắc xanh tốt.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 643,4 triệu cổ phiếu, trị giá 17.027 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch thoả thuận chiếm 1.861 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.401 tỷ đồng và 356 tỷ đồng. MWG khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 30 triệu cổ phiếu được “sang tay”. SHB và NVL khớp lệnh lần lượt 21 triệu cổ phiếu và 18,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại trở lại mua ròng trên sàn chứng khoán. |
Khối ngoại mua ròng trở lại 552 tỷ đồng trên HoSE và chủ yếu mua ròng mã MWG với 545 tỷ đồng. Đứng thứ hai danh sách mua ròng sàn này là PDR với 84 tỷ đồng. VRE và VCB đều được mua ròng hơn 50 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CCQ ETF FUESSVFL bị bán ròng mạnh nhất với 128 tỷ đồng. VHM cũng bị bán ròng 57 tỷ đồng.