TIN LIÊN QUAN | |
Thêm cổ phiếu xe buýt sắp 'ra hàng' | |
Cổ phiếu xe buýt 'cháy hàng' |
Cụ thể, ngày 12/3/2015, 1,1 triệu cổ phần của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) đã được IPO tại HNX. Số cổ phần này chiếm 20,3% vốn điều lệ của Công ty sau khi cổ phần hóa.
Cổ phiếu xe buýt đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư |
Chỉ ít ngày sau đó, ngày 16/3 tới, hơn 3,8 triệu cổ phần của Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội (cũng thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cũng sẽ được đưa ra IPO tại HNX. Số cổ phần này tương đương 45% vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa. Xí nghiệp Vận tải Du lịch Hà Nội sẽ đổi tên thành Công ty cổ phần Vận tải Newway.
Xét về quy mô vốn, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội có phần nhỏ hơn so với người anh em cùng ngành, khi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đạt hơn 107,9 tỷ đồng, trong khi chỉ số này của Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội là 150 tỷ đồng.
Xét về mức độ “phủ sóng” trong hoạt động kinh doanh xe buýt, Xí nghiệp Xe điện Hà Nội vượt trội hơn với 7 tuyến và 129 xe buýt, trong khi Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội chỉ sở hữu 2 tuyến và 22 xe buýt.
Tuy nhiên, số lượng xe và số tuyến có thể chưa phải là yếu tố quyết định về lợi thế của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, bởi nếu xét về hiệu quả kinh doanh, thì Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội lại “ăn đứt” Xí nghiệp Xe điện Hà Nội. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội dao động trong khoảng 0,3 - 0,84%/năm; cao hơn hẳn tỷ suất 0,12 - 0,14%/năm của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội.
Song đó là kết quả của quá khứ, còn trong tương lai, Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội dường như cũng sẽ có ưu thế hơn về chỉ tiêu lợi nhuận. Theo kế hoạch của doanh nghiệp này, trong giai đoạn 2015 - 2017, lợi nhuận sau thuế ước đạt từ 4 tỷ đồng đến 5,8 tỷ đồng, tăng 16% - 25% mỗi năm. Tỷ lệ trả cổ tức trong 3 năm dự kiến lần lượt là 4,2%; 5,3% và 6,2%.
Trong khi đó, chỉ tiêu của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội có vẻ khiêm tốn hơn, với lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2015 - 2017 ước chỉ đạt từ 2,4 tỷ đến 2,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức từ 4,1 đến 5,1%.
Đó là chưa kể, Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội còn được sử dụng hơn 18.200 m2 đất thuê với thời hạn 50 năm tại khu vực Kim Ngưu II tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai phục vụ làm bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng và nhà điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Việc 2 công ty xe buýt cùng hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội thực hiện IPO cùng thời điểm đã tạo ra hiệu ứng khá tốt, gây sự chú ý cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, lộ trình cơ cấu lại hệ thống xe buýt Hà Nội của Transerco (công ty mẹ của cả 2 doanh nghiệp trên) cũng có thể sẽ tạo những thuận lợi cho các công ty xe buýt đang hoạt động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Transerco cho biết, Transerco đang đề xuất hợp lý hóa lộ trình, điểm dừng đỗ phục vụ tổ chức giao thông cho 29 tuyến buýt và mở rộng vùng phục vụ đến các khu vực Sơn Tây, Đặng Xá, Ecopark... “Transerco cũng sẽ đưa vào vận hành tuyến buýt chạy thử nghiệm trên lộ trình tuyến nhanh Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa để tạo thói quen đi lại bằng xe buýt cho người dân”, ông Thường nói.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước của 2 công ty xe buýt vừa lên sàn không hoàn toàn bằng phẳng, khi một tin không vui cho cả 2 công ty là việc tăng giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 11/3.
Theo đó, từ ngày 11/3, giá xăng RON 92 được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít, lên mức 17.826 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel 15.833 đồng/lít (tăng 713 đồng/lít), dầu hỏa 16.323 đồng/lít và dầu mazut 12.761 đồng/lít (tăng tương ứng 713 đồng/lít và 911 đồng/lít).
Việc tăng giá xăng dầu cũng là động thái khó tránh khỏi khi, trong những ngày gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi.n
Chí Tín