Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Đó là câu hỏi được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, chiều 18/8.
Báo cáo này do Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thực hiện, sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hàng tháng. Đây là việc làm mới, bắt đầu được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 11 đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, 471 kiến nghị liên quan đến việc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật; 281 kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và 55 kiến nghị liên quan đến những vấn đề khác.
Đến nay, trong số 759 kiến nghị đã hết thời hạn giải quyết, trả lời theo quy định, Ban Dân nguyện nhận được văn bản trả lời đối với 753 kiến nghị (đạt 99,2%), còn 6 kiến nghị chưa được trả lời (chiếm 0,8%) .
Về công tác tiếp công dân, ông Bình cho biết, trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp 26 lượt người liên quan đến 22 vụ việc, Ban đã hướng dẫn, giải thích cho công dân về 15 vụ việc, có văn bản hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2 vụ việc; chuyển 5 vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
So với tháng 6/2021, số lượt công dân đến địa điểm tiếp công dân của Quốc hội giảm so với các tháng trước đó trên cả 3 tiêu chí: số lượt người, số vụ việc và số đoàn đông người và không phát sinh vụ việc đông người, phức tạp.
Dẫn báo cáo của cơ quan chức năng, báo cáo của Ban Dân nguyện nêu, hiện nay, trên địa bàn một số quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… của Hà Nội có một số trường hợp công dân đến từ 15 địa phương khác thường xuyên có mặt tại Hà Nội khiếu kiện dài ngày, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp không trở về được địa phương.
Ngày 6/8/2021, Ban Dân nguyện đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các công dân thuộc diện nêu trên trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để giảm bớt khó khăn và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố, ông Bình cho hay.
Đáng chú ý, dẫn báo cáo của Bộ Công an, Ban Dân nguyện cho biết có 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương do Công an các tỉnh thống kê để xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự.
Với hơn 500 vụ việc này, thì trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thế nào, phải bàn để làm sao cho có chuyển biến, không xử lý những bức xúc của dân thì sinh ra cơ quan dân cử để làm gì?, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Nhìn toàn bộ công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột: chỉ chuyển đơn đi thì có ý nghĩa gì không, từ trước đến nay, các cơ quan thực hiện chức năng trong giải quyết khiếu nại tố cáo của dân đã được việc gì, từ tháng 4/2021 đến nay, thì chưa đặt ra việc gì để giải quyết cả, đó là thực tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhấn lại là mấy tháng nay, các cơ quan của Quốc hội không thấy đặt ra và xem xét giải quyết bất cứ đơn thư nào của công dân cả, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu từ nay mỗi tháng cần chọn một số vụ việc nổi cộm, thực hiện giám sát để làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan.
4, 5 tháng nay có làm được cái việc gì đâu, xã hội thì đang có nhiều việc phức tạp về đất đai, môi trường, tài nguyên, công tác công dân cần làm đến nơi đến chốn, đừng để dân bảo là vô cảm, cái sảy nảy cái ung, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột.
Ông đề nghị các cơ quan của Quốc hội cần bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, học thuộc bài, làm tròn vai để tăng cường công tác dân nguyện, phải có chuyển biến thì nhân dân mới đặt niềm tin vào cơ quan dân cử.