“Chúng tôi, theo như chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đã cam kết đầu tư 4 tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với việc Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây là thời điểm quan trọng và thích hợp để chúng tôi tới Việt Nam”, bà Elizabeth Littlefield nói.
Bà Elizabeth Littlefield khẳng định, một khi có sự tham gia của OPIC, thì các nhà đầu tư Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào Việt Nam.
OPIC là một tổ chức tài trợ phát triển của Chính phủ Mỹ, mà theo như thông cáo từ Nhà Trắng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016, sẽ chịu trách nhiệm “phát huy vai trò của văn phòng mới được thành lập tại Đông Nam Á để tận dụng các cơ hội hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua đầu tư của khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú ý tới năng lượng tái tạo và hạ tầng hàng không”.
OPIC rất quan tâm tới các dự án mà Việt Nam sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). |
Thực tế, từ tháng 3/1998, Việt Nam và Mỹ đã ký kết Hiệp định cho phép OPIC hoạt động ở Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay, OPIC đã chi một ngân khoản lớn để hỗ trợ vốn và bảo hiểm cho 7 dự án tại Việt Nam, xuyên suốt trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm truyền thông, chế tạo, tư vấn và phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản và phát điện. Một trong số các dự án đã từng được nhắc tới là Nhà máy Dược phẩm OPV, hay dự án của Công ty Phát triển cơ sở hạ tầng V-Trac...
“Các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, năng lượng tái tạo tiếp tục là mối quan tâm của chúng tôi. OPIC cho rằng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi và có nhiều lợi điểm để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là đầu tư từ Mỹ. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính là yếu tố then chốt để các bên đều được hưởng lợi”, bà Elizabeth Littlefield nói.
Cách đây khoảng 3 năm, các lãnh đạo của OPIC đã từng đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng cơ sở. Vào thời điểm đó, cũng như hiện nay, OPIC rất quan tâm tới các dự án mà Việt Nam sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Thông điệp của OPIC lúc đó là, OPIC và các nhà đầu tư Mỹ đã sẵn sàng tham gia các dự án PPP tại Việt Nam và OPIC có thể cho vay tới 250 triệu USD/dự án.
Cũng 3 năm trước, Tập đoàn ADC-HAS Airport (có trụ sở tại Houston, Mỹ) đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Thậm chí, ADC-HAS Airport cũng đã tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các sân bay ở miền Trung và OPIC đã tuyên bố sẵn sàng tài trợ vốn để ADC-HAS triển khai dự án tại Việt Nam.
“OPIC sẽ cung cấp vốn cho ADC-HAS, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các dự án hợp tác PPP khác nữa ở Việt Nam. Nếu dự án tốt, OPIC có thể cho vay đến 250 triệu USD/dự án”, đại diện OPIC đã cho biết.
Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch của ADC-HAS Airport đã không thành hiện thực. Chỉ có OPIC giờ đây quay lại và tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư để hỗ trợ vốn.
“Chúng tôi mong muốn Mỹ sớm trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam”, bà Elizabeth Littlefield chia sẻ.
Theo thông cáo được Nhà Trắng phát đi cuối tháng 5/2016, Mỹ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại với Việt Nam - một đất nước phát triển nhanh đang đem đến cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và hỗ trợ việc làm. Dòng vốn đầu tư từ quốc gia này được cho là sẽ được thúc đẩy nhanh vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi TPP được thông qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là “Tư lệnh” của cơ quan chịu trách nhiệm chính trong thu hút FDI của Việt Nam, cũng có cùng mong muốn này.
“Tháng 9 vừa qua, tôi đã có chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ các nhà đầu tư của đất nước này. Tinh thần chung của họ là đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Điều họ quan tâm là bao giờ thì chính quyền Tổng thống Obama sẽ thông qua TPP. Chúng tôi cũng đang mong chờ điều này. Nếu TPP được thông qua, nhà đầu tư Mỹ sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
Câu chuyện còn lại, đó là liệu OPIC có thể trở thành một chất xúc tác thúc đẩy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn không? Câu trả lời còn đang ở phía trước. Tuy vậy, mối quan tâm của OPIC đối với thị trường Việt Nam, như lời bà Elizabeth Littlefield, cũng sẽ khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm hơn nữa tới điểm đến đầu tư đầy tiềm năng này.