Y tế - Sức khỏe
Cơ sở y tế quá tải vì lượng bệnh nhân tăng đột biến
Dương Ngân - 28/06/2022 18:32
Thời tiết nắng nóng, các ca bệnh đường hô hấp và sốt xuất huyết tăng mạnh. Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế đang phải đối diện với áp lực quá tải do lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Nhiều bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân tăng mạnh trong những ngày gần đây

Bệnh nhân sốt xuất huyết và mắc các bệnh đường hô hấp tăng mạnh

Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng nhanh từ giữa tháng 4, bằng đỉnh đợt dịch năm 2019 và gấp 117 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh viện tuyến cuối, có số bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất và đang đứng trước tình trạng quá tải. Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) trẻ em, trong tuần này, số lượng bệnh nhi sốc sốt xuất huyết mỗi ngày tăng gấp đôi, hiện có 20 trường hợp đang nằm điều trị. Tại Khoa Nhiễm D, giường bệnh kê san sát trong các phòng, thậm chí tràn ra cả hành lang.

Đại diện Sở Y tế tỉnh An Giang, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh từ đầu năm (tăng 387% so với cùng kỳ năm 2021) cho biết, trong thời gian chờ mua sắm hóa chất số lượng lớn, địa phương đề nghị các cơ sở chỉ định thầu rút gọn với các gói thầu dưới 100 triệu đồng để giải quyết nhanh, nhưng các cơ sở cũng sợ sai phạm, nhiều nơi chưa thực hiện.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), 6 tháng đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám nội trú tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ các năm 2020, 2021. Số lượng bệnh nhân nội trú cũng tăng khá nhiều so với cùng kỳ. Mỗi tháng, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp nặng.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang đối diện với áp lực quá tải do quá đông bệnh nhi đến khám, điều trị. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhi. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn với lượng bệnh nhân tăng đột biến, tăng 200% so với 2 tháng trước. Được biết, tại cơ sở y tế này ghi nhận khá nhiều bệnh nhi bị viêm phổi nặng do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Đồng thời, số trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A… cũng gia tăng.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ tới khám bệnh cũng rất đáng báo động, tăng từ 2 tới 3 lần bình thường. Nhiều bệnh nhi vào viện với các triệu chứng về đường hô hấp, đường tiêu hóa. Trung bình mỗi ngày, một bác sĩ phải thăm khám cho khoảng 50 bệnh nhi.

Đảm bảo nguồn cung thuốc, thiết bị y tế

Tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, nhưng một số loại thuốc điều trị lại đang khan hiếm. Đại diện Viện Pasteur TP.HCM phản ánh, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của khu vực đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí, hóa chất, thiết bị và thuốc.

Cụ thể, hóa chất, máy phun diệt muỗi, loăng quăng dự kiến không đủ cho khu vực phía Nam trong thời gian tới. Hầu hết kế hoạch mua sắm hóa chất cho năm nay của các địa phương vẫn đang “nằm trên giấy”, nếu dùng hết số hóa chất cũ, thì sẽ khó khăn trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, các sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán bệnh cũng thiếu. Nhiều bệnh viện thiếu dịch truyền cao phân tử (tức dịch truyền) để điều trị bệnh nhân nặng do khó mua sắm.

Về thuốc điều trị, theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng được truyền dung dịch cao phân tử gồm Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton. Tuy nhiên, 3 loại dịch truyền trên đều khan hiếm. Bộ Y tế cho phép cơ sở y tế sử dụng HES 130.000 dalton để thay thế. Tuy vậy, HES 130.000 không thể hiệu quả bằng Dextran 40, 70 và HES 200.000.

Sở Y tế TP.HCM đã đăng ký mua Dextran 40 cho các bệnh viện, nhưng phải chờ đặt hàng từ 6 đến 8 tháng để đơn vị sản xuất cung ứng.

Trước thực tế nêu trên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa gửi công văn phản hồi các sở y tế nhiều tỉnh, thành phố về những khó khăn trong việc cung ứng thuốc Dextran 40 Injection - dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị sốt xuất huyết.

Cuối năm 2020, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1) nhập khẩu 50.000 túi thuốc Dextran 40 Injection để đáp ứng nhu cầu điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Đến nay, theo thông tin từ nhiều bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành phố, thuốc Dextran 40 Injection đã hết hạn sử dụng từ ngày 28/4/2022. Hiện tại, các bệnh viện không đặt được mặt hàng này do cơ sở nhập khẩu không có kế hoạch nhập khẩu tiếp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn chống dịch sốt xuất huyết, Viện Pasteur TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế có kế hoạch chi viện khẩn cấp cho các địa phương thiếu hóa chất, thành lập Ban Chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, sớm phê duyệt kinh phí phòng chống dịch cho Viện và cấp kinh phí cho các bệnh viện tuyến cuối để đẩy nhanh các hoạt động.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ cùng Cục Quản lý dược đẩy nhanh giải quyết việc thiếu dung dịch cao phân tử. Riêng vấn đề phê duyệt kinh phí, mua sắm hóa chất, các địa phương phải tự chủ động.

Trong khi chờ đợi các giải pháp khắc phục, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh viện tại TP.HCM nên có phương án để sẵn sàng tiếp nhận số lượng bệnh nhân được chuyển về. Bên cạnh đó, dù Covid-19 đã được kiểm soát, khả năng tái bùng phát cũng không thể loại trừ. Sự kết hợp giữa Covid-19 và sốt xuất huyết là rất đáng lo ngại.

Tin liên quan
Tin khác