| ||
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc |
“Không biết là vô tình hay hữu ý, bất cứ ai đi khám chữa bệnh, câu đầu tiên đều được nhân viên y tế hỏi: “Có thẻ bảo hiểm y tế không?”. Chính vì vậy mà không nhiều người muốn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nếu không thuộc đối tượng bắt buộc”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra một trong những lý do khiến người dân không mặn mà tham gia BHYT.
Theo Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng nay, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã tăng từ 58,2% năm 2009 lên 66,8% vào năm 2012, tăng 9,24 triệu người (vào cuối năm 2013 dự kiến sẽ có 71,2% dân số tham gia).
Tuy nhiên, số tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia BHYT cao đều là tỉnh có nghèo như Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn , Thái Nguyên, Kon Tum... Còn những địa phương có điều kiện kinh tế “khá giả” thì tỷ lệ người tham gia rất thấp.
Nguyên nhân là do ngân sách nhà nước bỏ tiền ra mua BHYT cho cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… ở những tỉnh nghèo lớn hơn những tỉnh còn lại.
Tương tự, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng làm công ăn lương, cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm hưu trí, mất sức lao động, đối tượng bảo trợ xã hội rất cao (đạt gần 100%).
Trong khi đó, những đối tượng còn lại tham gia với tỷ lệ rất thấp. “Hiện người lao động trong khu vực doanh nghiệp tham gia BHYT chỉ đạt 50%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20- 3 0%. Hơn 50% số người hưởng lương hiện nay đang tham gia BHYT bắt buộc sẽ không tham gia nếu pháp luật không bắt buộc”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội công bố kết quả khảo sát gần đây.
“Đặc biệt, nhóm tự nguyện tham gia BHYT tính đến cuối năm 2012 mới chỉ đạt 22%. Trong đó, Ninh Thuận chỉ có 10% số người tham gia đóng BHYT tự nguyện. Tỷ lệ này ở Hà Nam là 7,2%; Cà Mau là 7,1%; Quảng Trị là 6,6%; Nam Định là 5,9%; Kiên Giang 5,9%; Thanh Hóa 3%; Nghệ An 3%, Hải Dương 1%...”, bà Mai cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, có rất nhiều lý do khiến người dân không muốn tham gia BHYT nếu không bị bắt buộc hoặc được ngân sách nhà nước đóng giúp tiền BHYT, trong đó có nguyên nhân quan trọng là người tham gia sợ bị phân biệt đối xử với người trả “tiền tươi, thóc thật” khi đi khám chữa bệnh.
Trên thực tế có rất nhiều người có thẻ BHYT nhưng mỗi khi nhân viên y tế hỏi họ có thẻ không thì đều nói là không có và chấp nhận khám dịch vụ vì sợ bị phân biệt đối xử.
Muốn đạt được mục tiêu có ít nhất 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2020, theo ông Phúc, phải nghiêm cấm nhân viên y tế hỏi người bệnh có thẻ BHYT không khi họ đến khám chữa bệnh.
“Bác sỹ chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn của mình, không được phép phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân với nhau. Còn khi thanh toán viện phí, người có thẻ sẽ được Quỹ BHYT thanh toán còn người không có thẻ phải thanh toán 100% viện phí. Có như vậy mới khuyến khích người dân tham gia BHYT”, ông Phúc đề xuất.
Không phải người khám bệnh bằng thẻ BHYT sợ bị phân biệt đối xử, mà điều này, theo người đứng đầu ngành y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là có thật.
Nguyên nhân của sự phân biệt này được bà Tiến lý giải: “Chi phí cho một ca tiểu phẫu như cắt amidan phải mất 300.000 đồng trong khi BHYT chỉ thanh toán 40.000 đồng thì làm sao chất lượng dịch vụ có thể ngang bằng nhau được”.
Tương tự, BHYT chỉ thanh toán tiền giường 30 - 100 ngàn đồng/ngày, tiền khám bệnh 5 - 30 ngàn đồng/ngày trong khi khám chữa bệnh theo yêu cầu thì người bệnh phải trả số tiền tương ứng lên tới cả triệu đồng/phòng dịch vụ với đầy đủ thiết bị và 600 ngàn đồng/lần khám. “Đúng là có sự phản cảm, nhưng với giá dịch vụ y tế như hiện nay thì người khám thẻ BHYT không thể được hưởng chất lượng dịch vụ cao như người khám chữa bệnh theo yêu cầu”, bà Tiến nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến người dân không muốn tham gia BHYT là do quy định cứng nhắc về khám chữa bệnh trái tuyến.
“Quê tôi (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cách thị trấn huyện 20 km, cách thành phố Châu Đốc mất 30 km nên khi có nhu cầu khám chữa bệnh, người dân thường sang thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Nhưng sang Đồng Tháp khám chữa bệnh lại bị coi là trái tuyến nên không được thanh toán viện phí vì vậy không khuyến khích người dân tham gia BHYT tự nguyện”, ông Giàu dẫn chứng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, muốn khuyến khích người dân tham gia BHYT phải xử lý hàng loạt vấn đề, trong đó có việc thu hẹp chênh lệch chất lượng dịch vụ y tế giữa người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT và người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, nâng cao chất lượng y đức, nghiên cứu lại quy định về trái tuyến…
“Nhà tôi ở gần Bệnh viện 108, vậy tại sao tôi khám chữa bệnh ở Bệnh viện 108 lại không được thanh toán viện phí mà bắt buộc tôi phải khám chữa bệnh ở bệnh viện khác chỉ vì tôi có hộ khẩu ở địa phương đó”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề.
Hàn Tín