Điều đáng nói là, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khả năng vỡ quỹ BHXH của Việt Nam còn sớm hơn, cụ thể sẽ mất cân đối vào năm 2012 và mất khả năng chi trả vào năm 2034.
| ||
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam |
Theo bà Phương, nguyên nhân là do hiện chỉ có 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, trong khi số thuộc diện bắt buộc phải lên tới khoảng 78%.
Bên cạnh đó, mức đóng và thời gian đóng ngắn, trong khi mức hưởng lại cao, thời gian hưởng dài, do tuổi thọ người hưởng lương hưu ngày càng cao.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,2 tuổi, trong đó có tới 52,3% nghỉ hưu trước tuổi.
Trước tình trạng này, cơ quan BHXH Việt Nam đề nghị Luật BHXH, từ năm 2016, cứ 3 năm, sẽ tăng 1 tuổi nghỉ hưu, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, theo bà Phương, để hạn chế người xin nghỉ hưu sớm, cần sửa Luật BHXH theo hướng tăng tuổi đủ điều kiện nghỉ hưu do mất sức lao động lên 5 năm so với hiện nay (nam phải đủ 55 tuổi và nữ phải đủ 50 tuổi); đồng thời tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là giải pháp được ILO khuyến nghị dành cho Việt Nam, tuy nhiên, mức đề xuất tăng của ILO còn cao hơn của BHXH Việt Nam. Theo đó, ILO khuyến nghị từ năm 2016, Việt Nam cần nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 65 tuổi và nữ lên 60 tuổi.
Tuy nhiên, là người trực tiếp tiến hành điều tra về các chính sách BHXH của Việt Nam, phân tích từ các số liệu điều tra, PGS-TS Giang Thanh Long (Đại học Kinh tế quốc dân) lại đưa ra một cách nhìn khác.
Theo ông Long, tăng tuổi nghỉ hưu cũng chỉ kéo dài được khả năng tồn tại của quỹ BHXH thêm một thời gian, chứ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 53% số người nghỉ hưu từ 60 tuổi trở lên không muốn tiếp tục làm việc sau 60 tuổi vì vấn đề sức khỏe; 24,1% không muốn làm vì cho rằng đã có lương hưu.
Điều này cho thấy, ngay cả khi đã tăng tuổi nghỉ hưu, thì giải pháp căn cơ và bền vững hơn cả là cải thiện năng suất và chất lượng lao động.
“Để giải quyết tận gốc, Chính phủ phải có biện pháp huy động hơn 50% số lao động thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc, nhưng lại không tham gia, để có nguồn đóng góp cho quỹ”, ông Long đề xuất.
Đồng quan điểm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho rằng, làm sao phải thu đúng, thu đủ đối tượng, chứ không chỉ tăng tuổi nghỉ hưu, chất lượng lao động không cao, lại gây áp lực cho thị trường lao động khi lao động trẻ mới ra trường mất nhiều cơ hội.
“Một số chuyên gia cho rằng, những người làm trong lực lượng vũ trang, khi làm nhiệm vụ đã được hưởng hệ số lương rất cao, thì khi nghỉ hưu, không còn phục vụ nữa, nên giảm tỷ lệ hưởng lương hưu xuống như các đối tác khác. Nếu vẫn giữ ở mức cao như hiện nay, thì phần chênh lệch Nhà nước phải bù bằng nguồn ngân sách khác, chứ không thể lấy từ quỹ BHXH”, ông Lợi nói.
Chia sẻ quan điểm với ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tăng việc giám sát với các doanh nghiệp trong việc thực hiện đóng BHXH cho người lao động để tăng nguồn thu.
“Xem xét đưa hành vi trốn đóng, chiếm dụng BHXH của doanh nghiệp để xử lý theo luật hình sự”, ông Lợi nói và cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tiếp tục được nghiên cứu để đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Hàn Tín