Hàng nông sản nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm và rau quả đã và đang tràn ngập các siêu thị. Điều này cho thấy, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành nông nghiệp rõ ràng bất lợi vì ngay cả “sân nhà” cũng đang bị mất dần thị phần?
Nhận định ngành nông nghiệp bị bất lợi khi tham gia các FTA là hơi khiên cưỡng, nếu không muốn nói là phiến diện vì rất nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè, sản phẩm đồ gỗ… thủy sản cả nuôi trồng lẫn đánh bắt có chỗ đứng khá vững trên thị trường thế giới dù có tham gia FTA hay không. Điều kiện thổ nhưỡng, thiên nhiên, thời tiết, khí hậu của Việt Nam phù hợp với các loại cây trồng và rất nhiều loại thủy - hải sản có giá trị kinh tế cao, trong khi rất nhiều nước trên thế giới không có được.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thịt bò… và các sản phẩm chế biến từ động vật nhập khẩu đúng là ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường. Tuy nhiên, trong khoảng 30 nhóm hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất hiện nay, thì thực phẩm và sản phẩm chế biến từ động vật không nằm trong danh sách này và có lẽ cũng rất khó có cơ hội trở thành một trong 50-60 nhóm hàng hóa được nhập khẩu nhiều nhất, vì thực phẩm và sản phẩm chế biến từ động vật chỉ có thể đáp ứng cho một bộ phận nhỏ cư dân ở đô thị, còn tuyệt đại đa số người dân vẫn sử dụng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi truyền thống được sản xuất trong nước.
Vậy ông nghĩ sao khi 2 hiệp định CPTPP, EVFTA được thực thi?
Năm 2017, mặt hàng rau quả xuất khẩu đem về 3.517 tỷ USD, tăng hơn 143% so với năm 2016 trong khi nhập khẩu 1.555 tỷ USD, tăng hơn 168%. Còn trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt kim ngạch 2.690 tỷ USD, tăng 14,8% và nhập khẩu 1.141 tỷ USD, tăng 12%. Như vậy, mặt hàng rau quả xuất siêu rất lớn, nên tham gia các FTA nói chung, CPTPP và EVFTA nói riêng, mặt hàng rau quả rõ ràng có lợi thế cạnh tranh.
Nhiều người nói rằng, trong số hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam có tỷ lệ không nhỏ là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, tức là Việt Nam chỉ là khâu trung chuyển, tạm nhập mặt hàng rau quả Thái Lan để tái xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi không biết tỷ lệ hàng rau quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có bao nhiêu phần trăm có nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng giả sử có hiện tượng này thì cũng là điều đáng mừng vì điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đem bán “cây nhà lá vườn”, mà đã biết đi buôn kiếm lời.
Tôi cho rằng, càng tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới, sức cạnh tranh của mặt hàng rau quả ngày càng được cải thiện. Thực tế đã chứng minh, hàng rau quả Việt Nam đang từng bước chinh phục người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng ở các thị trường khó tính.
Ý ông muốn nói đến việc xuất khẩu nhãn, vải, thanh long… tươi sang Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, EU…?
Việc xuất khẩu rau quả tươi sang các thị trường khó tính là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo tôi, cách thức xuất khẩu rau quả tươi sang thị trường khó tính từ trước đến nay vẫn chưa bền vững. Thực tế cho thấy, có sản phẩm năm nay thị trường này nhập nhiều, nhưng thị trường khác lại nhập ít, thậm chí là không nhập; có năm xuất khẩu được nhiều, có năm được ít, nói chung là rất bấp bênh vì khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch của ta còn kém, nên buộc phải bán theo mùa vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu.
Nhưng việc xuất khẩu được nông sản tươi thời gian qua đã tạo động lực rất lớn để nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp quy mô lớn từ trước đến nay chỉ tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực khác chuyển hướng sang đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và hình thành sản xuất chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp từ khâu giống, kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật, bảo quản sau thu hoạch đến lưu thông, phân phối sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở thị trường trong nước.
Khi hoạt động này tiếp tục phát triển, tôi tin là doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào khâu xây dựng nhà máy chế biến nông sản để vừa có thể xuất khẩu nông sản tươi, vừa xuất khẩu nông sản chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Với thị trường nội địa hơn 93 triệu dân, tiêu thụ nông sản vô cùng lớn, doanh nghiệp và người nông dân đã nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, lưu thông, phân phối sản phẩm nông nghiệp “từ trang trại tới bàn ăn”, nên gần đây đã có chuyển hướng rất tích cực.
Chuyển hướng tích cực ở những điểm nào, thưa ông, khi mà điệp khúc “được mùa - mất giá” và tình trạng giải cứu nông sản đã trở nên phổ biến?
Khoảng 10 - 15 năm về trước đã hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân sản xuất nông nghiệp, nhưng không thành công vì liên kết rất lỏng lẻo. Người nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng khi sản phẩm bán ra trên thị trường được giá hơn bán cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết. Khi người dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng thì doanh nghiệp cũng không ngại làm như vậy khi tình hình tiêu thụ không như kỳ vọng, đã dẫn tới tình trạng giải cứu nông sản. Cuối cùng thì 2 bên đều bị thiệt hại, cả nền sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.
Nhưng sau nhiều bài học đã phải trả giá, người nông dân nhận ra rằng, liên kết với doanh nghiệp, thực hiện đúng hợp đồng có lợi hơn vì họ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, cây con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn VietGap để tiêu thụ trong nước hoặc GlobalGap để xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng, “chung thủy” với người nông dân sẽ được lợi vì họ sẽ yên tâm đầu tư chiều sâu vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, chủ động trong lưu thông và xuất khẩu.
Tham gia các FTA, nhất là EVFTA, CPTPP với nhiều điều kiện rất khắt khe về sản xuất nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm chính là cơ hội để doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp thắt chặt mối liên kết, tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước.