Thời sự
Có thể giảm phụ cấp các ngành, cả của đại biểu Quốc hội để dành ngân sách cho dân vùng lũ
An Nguyên - 04/11/2020 16:34
Đại biều đề nghị ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành, kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường.

Phát biểu tại Quốc hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.

Chiều 4/11, Quốc hội bước sang phiên thứ tư thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách. Bên cạnh những phát biểu, tranh luận sôi nổi về sách giáo khoa thì vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai, trước tình cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ tại miền Trung gần đây.

Đề nghị chung của nhiều ý kiến, từ nhiều vùng miền của cả nước là cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, dồn nguồn lực cho hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ "Với cá nhân tôi, ngay trong kỳ họp này của Quốc hội, tôi đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội của mình, đó là khi trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị".

Nêu những nguy cơ vẫn tiềm ẩn với nhân dân nhiều vùng của tỉnh này, ông Đồng nhấn mạnh, để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và xây dựng hạ tầng các huyện, xã vùng sâu đồng vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Dự thảo nghị quyết Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 có nêu rõ yêu cầu Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, bởi mức độ khó khăn của họ rất nặng nề hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" - ông Đồng phát biểu.

Phản ánh rằng cử tri rất đồng tình khi thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị "không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa, cần đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống".

Cũng quan tâm đến ứng phó thiên tai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép cũng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên như thế.

“Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về  lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ việc quản lý từ Trung ương đến địa phương nơi có rừng”.

Đại biểu Lưu Mai phân tích, việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới.

“Thời gian qua, tất cả chúng ta đều bàng hoàng, đau xót vì sự ra đi của nhiều cán bộ, chiến sỹ và người dân vì sự giận dữ của tự nhiên. Trong rất nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là con người đang phá hủy môi trường và cái giá phải trả thực sự quá đắt. Trong thiên tai, chúng ta thấy được tình người, tình nghĩa quân dân nhưng cũng thấy được những lỗ hổng mà cần kịp thời chỉnh sửa trong chủ trương, chính sách phát triển” - bà Mai phát biểu.

Tin liên quan
Tin khác