Tổng lợi nhuận của các ngân hàng quý II/2023 vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, tuy suy giảm 1,2% so với quý I/2023. |
Ngoài Big 4, đã có 24 ngân hàng TMCP tư nhân công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với 50% công bố lợi nhuận 6 tháng suy giảm so với cùng kỳ. Các ngân hàng có mức lợi nhuận 6 tháng suy giảm mạnh là BVBank, ABBank, EximBank, Techcombank, NCB, SeABank, LPBank…
Mặc dù vậy, theo thống kê của SSI Research, tổng lợi nhuận của các ngân hàng quý II/2023 vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, tuy suy giảm 1,2% so với quý I/2023.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng chững lại nửa đầu năm nay là do sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, trong khi NIM co hẹp (NIM giảm 15 điểm phần trăm so với quý trước) và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng (tổng nợ xấu tăng 11 điểm phần trăm so với quý trước).
Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt trong quý II/2023 là ACB, OCB, MBB và VPB. Động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này là: tín dụng cho ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây xựng (MB); cho vay sản xuất kinh doanh và bất động sản (VPBank); cho vay tài trợ vốn lưu động ACB). Dư nợ tài chính tiêu dùng tiếp tục suy giảm tại FeCredit & MCredit trong khi tăng nhẹ trở lại ở HDSaison.
Điểm tích cực trong báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA đã tạo đáy trong quý I/2023 đối với hầu hết các ngân hàng.
Báo cáo tài chính ghi nhận chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng suy giảm. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại nhà nước (big 4), tại ACB, MBB và OCB đã chậm lại đáng kể so với hai quý trước.
Nếu chỉ tính riêng khối ngân hàng TMCP, top 10 lợi nhuận hợp nhất các ngân hàng tính tới thời điểm cuối tháng 6/2023 là: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, SHB, VIB, HDBank, VPBank. So với cùng kỳ năm ngoái, Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất không thay đổi song thứ tự xếp hạng đã có sự thay đổi đáng kể.