Chuyển động thị trường
Co-working ngày càng thắng thế
Alex Crane - 02/02/2019 09:31
Cuộc đua trên thị trường văn phòng chia sẻ (co-working) Việt Nam ngày càng nóng với sự gia nhập của các đại gia tên tuổi trên thế giới.
Ông Alex Crane

Báo cáo mới nhất về phân khúc co-working ở Mỹ của Cushman & Wakefield cho thấy, bất chấp các dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế, tỷ lệ lấp đầy của phân khúc này vẫn không bị ảnh hưởng. Nhu cầu đối với các văn phòng linh hoạt (gồm văn phòng dịch vụ và co-working) đã tăng gấp ba lần tại Mỹ. Chính vì ngày càng ít bị phụ thuộc vào ngành công nghệ, nên phân khúc này mới có tốc độ tăng trưởng tốt như vậy.

Các nhà vận hành co-working đang trở thành khách thuê chính ở các văn phòng trên thế giới. Tại Mỹ, các chủ đầu tư và đơn vị vận hành co-working đã trở thành đối tác chiến lược, chứ không chỉ là mối quan hệ giữa bên cho thuê và bên đi thuê.

Tại Việt Nam, co-working ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Từ năm 2017 đến 2018, diện tích văn phòng mà các đơn vị vận hành co-working ở Việt Nam thuê đã tăng từ 14.435 m2 lên 50.000 m2 (tương đương mức tăng 233%). Số lượng đơn vị vận hành
co-working cũng đã tăng từ 24 lên 37 đơn vị, tương đương tăng 54% trên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng này là các doanh nghiệp đa quốc gia mới gia nhập thị tường và tiếp quản lại các trung tâm co-working nhỏ hơn.

Ở Việt Nam, chúng ta sắp chứng kiến việc một người khổng lồ về co-working/văn phòng dịch vụ thuê 15.000 m2 ở trung tâm TP.HCM. Với động thái trên, khách thuê này sẽ trở thành nhà vận hành co-working lớn thứ hai có mặt ở Việt Nam, xét về diện tích thuê. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia nhập của WeWork, nhà vận hành đang được định giá gần 20 tỷ USD sau vòng gọi vốn sau cùng với Softbank.

Phân khúc co-working được hỗ trợ bởi sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính đến năm 2018, có 49.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký thành lập ở TP.HCM và Hà Nội. 60% trong số đó thuộc về trung tâm kinh tế phía Nam. Đó cũng là một trong những lý do khiến thị trường co-working ở TP.HCM sôi động đến vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, vẫn có những hạn chế khi vận hành co-working. Các khách thuê cần lưu ý vấn đề về quyền riêng tư ở các co-working. Các chủ đầu tư lớn và nhà đầu tư nào đang có kế hoạch cho đơn vị vận hành co-working thuê diện tích tương đối lớn trong tòa nhà của mình cũng cần quan tâm đến sự riêng tư của không gian, đặc biệt khi chúng có liên quan đến các tài sản về sở hữu trí tuệ của các công ty đa quốc gia.

Hơn nữa, cũng cần cân nhắc đến một số yếu tố ít rõ ràng hơn. Ví như các nhóm co-working lớn có thể yêu cầu góp vốn và thường tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác chia sẻ lợi nhuận/quản lý. Điều này chưa bao giờ được đón nhận ở Việt Nam và trong khi thị trường văn phòng vẫn do chủ đầu tư chiếm ưu thế, tôi không nghĩ điều này sẽ thay đổi và trở nên linh hoạt hơn khi thực hiện những thỏa thuận này. Nếu thị trường văn phòng đạt tỷ lệ trống 15% thay vì chỉ có 2% như hiện nay, nhà đầu tư và chủ tòa nhà cần bỏ nhiều vốn hơn nếu muốn các đơn vị vận hành co-working vào thuê.

Khởi nghiệp không hề dễ dàng hay thuận lợi, nên bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng đều đáng trân trọng và luôn được kiếm tìm. Nhiều đơn vị vận hành co-working đã nhận ra điều đó. Một vài đơn vị, khi nhìn thấy tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp sử dụng không gian của họ, sẽ sẵn sàng làm “Mạnh Thường Quân”. Sự hỗ trợ đó có thể đến từ các tư vấn về kinh doanh và/hoặc một nền tảng “cộng đồng” số, nơi các thành viên có thể truy cập vào các tư vấn kinh doanh, đưa ra ý tưởng cho nhau, hay đơn giản chỉ là đặt phòng họp.

Ở các không gian co-working trên thế giới, tiềm năng của việc ngồi chung với các start-up năng động và giàu ý tưởng là điều dễ nhận ra. Nuôi dưỡng những ý tưởng mới và thử nghiệm với nhiều cộng đồng start-up đã trở nên quan trọng đối với các công ty sẵn sàng phá vỡ những rào cản về mặt giao tiếp giữa các phòng ban và sẵn sàng đặt mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Việt Nam cũng sẽ phải thích nghi và chuẩn bị sẵn sàng khi điều đó diễn ra.

Tin liên quan
Tin khác