Ngành chăn nuôi chưa bao giờ lao đao như hiện tại
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam đã phải thốt lên như vậy tại "Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, 2 năm qua ngành chăn nuôi phải “gồng mình” vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường, hậu Covid-19, diễn biến địa chính trị. “Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước còn khó khăn hơn. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu trong hiệp hội cũng bị thua lỗ nặng nề đến lên đến hàng trăm tỷ đồng như năm nay”, ông Sơn nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhà chức trách Việt Nam đã phát hiện 131 vụ nhập lậu sản phẩm động vật, gà sống, tăng 14,5 lần so với năm 2022. Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
“Từ góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi thấy tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên; Lâu nay đã tồn tại đường dây buôn lậu lớn theo từng ngành hàng như ngành hàng lợn, ngành hàng gia cầm, ngành hàng trâu bò. Hậu quả của buôn lậu với ngành gia súc, gia cầm là rất nặng nề như gây ra dịch bệnh, phá vỡ thị trường trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”, ông Sơn cho biết.
Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Ảnh: nongnghiep.vn. |
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc không kiểm soát tốt vấn nạn nhập lậu sẽ dẫn đến tình trạng bùng nổ dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào
“Tôi làm 40 năm trong ngành chăn nuôi, chưa có bệnh nào khởi đầu từ Việt Nam mà đều do con đường nhập khẩu”, ông Dương nhấn mạnh.
Lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng chia sẻ cảm nhận rằng vấn nạn gia cầm nhập lâu chưa được đánh giá hết và đúng tính chất. Bên cạnh mối nguy cơ dịch bênh, hệ lụy của tình trạng này còn là việc mất kiểm soát được an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, đánh mất thị trường tiêu thụ trong nước.
“Sản xuất không có thị trường thì ‘chết’. Nếu làm trong chăn nuôi thời gian gần đây, chúng ta sẽ thấy sản phẩm không tiêu thụ được hoặc đều bán dưới giá thành sản xuất, trong khi đó lượng nhập khẩu cứ tăng lên. Đặc biệt với vấn đề nhập lậu”, đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ.
Ông cho rằng song hành với việc nhập khẩu, khâu kiểm soát nội địa cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát nội địa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các bộ/ngành, Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng hành động thực chất thì chưa có sự quyết liệt, khi nào báo chí vào cuộc thì rộ lên sau đó lại trở về như cũ.
“Chưa bao giờ tôi thấy lo cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trang trại như lúc này. Họ có thể không thu nổi vốn chứ chưa nói tới tái đầu tư cho năm sau. Rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ban, ngành sớm có giải pháp, hành động thực sự kiểm soát tình hình, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển lành mạnh”, ông Dương kiến nghị.
Không để ngành chăn nuôi bị phá hoại từ bên ngoài
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: “Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: nongnghiep.vn |
Thứ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,7% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5 - 6%, ngành thủy sản 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp.
Vì vậy, với ngành chăn nuôi, công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt. Hiện tại, các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, thời gian qua một số địa phương thực hiện theo đợt, chiến dịch, trong khi việc ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm phải là việc làm thường xuyên, liên tục nếu không sẽ đứt đoạn. Thứ trưởng đề nghị các địa phương vào cuộc thật nghiêm, đừng như “đá ném ao bèo”.
“Các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…”, Thứ trưởng lưu ý.
Nhấn mạnh “trâu bò lậu, lợn lậu, gà vịt lậu thì ngành chăn nuôi không thể phát triển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hàng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. "Các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chứ không phải biết rồi bỏ đấy mà phải làm đến nơi đến chốn; phải có quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Về phía Bộ Công an, Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, Phó cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp.Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng đã bắt giữ 31 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh và vận chuyển gia cầm nhập lậu, xử phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, thu tiêu hủy trên 100.000 con giống gia cầm các loại.
Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt 3 vụ với trên 50.000 con giống gia cầm các loại, trên 19.000 quả trứng. Tại Long An, Công an Long An đã bắt giữ 2 vụ, khởi tố 4 đối tượng có hành vi buôn lậu trên 50 con lợn, trị giá trên 188 triệu đồng. Tại Tây Ninh bắt 7 đối tượng nhập lậu trên 50 con bò, trị giá trên 300 triệu đồng.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế khẳng định trong thời gian tới, ngành công an và các lực lượng liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý hoạt động buôn bán động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.