Điều kiện quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất là sự thay đổi về tư duy trong quản lý nhà nước với DN đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã có thay đổi rất lớn trong việc quản lý, sử dụng con dấu của doanh nghiệp |
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể DN và thủ tục đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép DN chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử như thông lệ quốc tế hiện đại.
Yêu cầu này có nghĩa là hàng loạt văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp sẽ phải được các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, đề xuất phương án thay đổi theo tư duy quản lý mới. Các bản dự thảo văn bản hiện tại cũng buộc phải rà soát để cập nhật.
Thậm chí, những phương án xử lý phát sinh pháp lý trong giai đoạn giao thoa cũng phải được cân nhắc trước, để đảm bảo mọi hoạt động được bình thường khi sẽ có vô vàn kiểu cách con dấu mang dấu ấn riêng của từng doanh nghiệp, khi sẽ có những văn bản chỉ có chữ ký, chứ không có con dấu...
Nghĩa là, cho dù đâu đó vẫn còn những băn khoăn, nghi ngờ về việc để doanh nghiệp toàn quyền tự quyết với con dấu của mình đúng như một tài sản của doanh nghiệp thay vì cơ quan nhà nước quản lý như hiện tại, thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ buộc phải vận động theo hướng mới.
Đi đầu, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi ngay lập tức cũng đã bổ sung nội dung mới liên quan đến nội dung này. So với các quy định hiện hành về quản lý con dấu, Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã có thay đổi rất lớn, chuyển từ yêu cầu bắt buộc phải có con dấu sang quy định các bên giao dịch có thể thỏa thuận về việc sử dụng con dấu; từ việc cơ quan công an quyết định hình thức, nội dung sang doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Lần đầu tiên, con dấu là tài sản của doanh nghiệp - vốn là điều đương nhiên, đã được Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi luật hóa như một tuyên ngôn mới.
Rõ ràng, sự thay đổi này không chỉ mang tính kỹ thuật và không đơn giản. Cần phải nhắc lại, khi tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần thứ nhất, vào năm 2005, câu chuyện về con dấu của doanh nghiệp với những đề xuất thay đổi phương thức quản lý và sử dụng con dấu cũng đã được đặt ra.
Tuy nhiên, hồi đó, ý kiến phản đối chiếm đa số với lý do, bỏ dấu thì quản lý bằng gì. Ngay cả doanh nghiệp cũng chưa hình dung được sẽ sử dụng phương thức nào để ràng buộc trách nhiệm trong các giao dịch của mình.
Mọi việc đang thay đổi lớn. Bài học kinh nghiệm thành công trong việc cho phép doanh nghiệp tự in hóa đơn được nhắc lại để thấy những thay đổi về tư duy quản lý nhà nước đối với con dấu của doanh nghiệp chỉ mới là những cởi mở đầu tiên.
Các bước tiếp sau sẽ phải là rà soát, thay đổi, chỉnh sửa hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo hệ thống này vận hành nhuần nhuyễn theo tư duy mới, không cản trở tính hiện thực của tư duy mới. Doanh nghiệp, người dân cũng sẽ buộc phải nghiên cứu những thông lệ quốc tế hiện đại trong việc sử dụng và quản lý các biện pháp đảm bảo khác trong giao dịch để có những dự liệu phù hợp với xu hướng.
Tuy nhiên, trong bước chuyển này, trách nhiệm đang đặt nặng lên vai Chính phủ và Quốc hội trong kỳ họp sẽ khai mạc vào tuần tới.
Chọn con dấu hay chữ ký? () Từng bước bỏ thủ tục bắt buộc trong việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp đang được cả doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế khuyến nghị. |
Có cần con dấu của doanh nghiệp? () Có nên bắt buộc sử dụng con dấu trong doanh nghiệp đang là câu hỏi được đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. |
Bảo Duy