Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018, mùa thứ 3 là "cẩm nang" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. |
Sáng 10/4, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong cả nước.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 là ấn phẩm thường niên do Bộ Công Thương phát hành nhằm cung cấp cho các Bộ, ngành, địa phương và độc giả quan tâm một bức tranh tổng thể về tình hình xuất nhập khẩu trong một năm.
Sau 2 năm xuất bản Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam vào 2016, 2017, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam đã được công chúng đón nhận, được các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá cao, là cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục xuất bản thường niên báo cáo xuất nhập khẩu năm 2018.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng góp phần thực hiện thành công Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa định hướng đến năm 2030 và triển khai Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tính chung cả năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 480,17 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch được quốc hội và Chính phủ giao, và cũng cao nhất từ trước đến nay.
Không dừng lại đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Đến nay đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Công tác phát triển thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác tốt các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới và hiện nay đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ…
Trong năm 2018 cũng là năm đầu tiên, vị trí số 1 của quốc gia nhập siêu vào Việt Nam lớn nhất thuộc về Hàn Quốc, thay vì thị trường Trung Quốc như mọi năm. Đáng chú ý, tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước lần đầu tiên vượt khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đặc biệt là Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (năm 2017 xuất siêu 32,24 tỷ USD thì tới năm 2018 đã xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (năm 2017 xuất siêu 26,14 tỷ USD đã tăng lên 28,7 tỷ USD vào năm 2018).
Năm 2019, ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu 265 tỷ USD, tăng 8 – 10% so với năm 2018; nhập khẩu 268 tỷ USD, nhập siêu ước 3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%