Nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Trung tâm Nghiên cứu CGIAR đã tìm ra các gen giúp làm tối thiểu chỉ số đường huyết của lúa gạo.
Mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp, được phát triển từ giống Samba Mahsuri x IR36ae, đã chính thức được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023.
"Nghiên cứu này đặt nền móng cho những bước tiến lớn, vững chắc hơn của ngành lúa gạo Philippines nói riêng và thế giới nói chung. Tôi tin rằng, những thành tựu khoa học được trình bày tại IRC 2023 sẽ sớm trở thành hiện thực", ông Ferdinand nói.
IRRI phân loại mức chỉ số đường huyết dưới 45 là cực thấp, 46-55 là thấp, 56-69 là trung bình và cao là 70 trở lên. Dòng lúa cực thấp được phát hiện mới nhất có chỉ số đường huyết 44.
Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Cả thế giới có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số đường huyết dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.
Năm 2019, IRRI đã tìm thấy các dấu hiệu đặc chủng giống lúa, có ý nghĩa rất lớn để phân biệt chỉ số đường huyết trung bình và chỉ số đường huyết cao. Đây chính là bước đột phá trong khoa học nhằm phát triển các giống lúa năng suất cao, chỉ số đường huyết thấp.
“Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa chỉ số đường huyết thấp và cực thấp”, Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli nói.
Nâng cao giá trị ngành lúa gạo
Từ 16-19/10/2023, Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023 tại Manila, Philippines sẽ cùng đàm thảo về các giải pháp chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm dựa trên lúa gạo.
Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Đây là diễn đàn toàn cầu cho các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng gặp gỡ, thảo luận về những thách thức, cơ hội của ngành lúa gạo nhằm đảm bảo hệ thống lương thực toàn cầu.
Tọa đàm giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nông dân tại IRC 2023. Ảnh: Quỳnh Chi. |
Mạng lưới 1.500 người tham gia, gồm các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nông dân sẽ cùng hợp tác để chia sẻ, trao đổi về các ý tưởng mới, khám phá các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho toàn bộ ngành lúa gạo.
Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội: “Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị xã hội ở nhiều quốc gia. Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Một tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác”.
Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhiệm vụ của IRC là khẩn trương chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường.
Đặc biệt, chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ dừng lại ở áp dụng khoa học công nghệ. Ngành lúa gạo các quốc gia cần thảo luận, đàm phán, gỡ rối chính sách công, qua đó giải quyết một số vướng mắc về dao động giá, thương mại tự do, phân khúc thị trường chênh lệch… Do đó, IRC 2023 đóng vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo ngành nông nghiệp trên thế giới. Hợp tác công - tư sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức lớn nhất mà ngành sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chính sách Việt Nam, ông Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nói: “Việt Nam từng là nước có nền nông nghiệp lạc hậu, đứng sau các “ông lớn” Ấn Độ, Thái Lan. Ngày nay, chúng tôi tự hào về những thành tựu của ngành lúa gạo. Chúng tôi đã giảm 30% hóa chất, 30% phân bón, 30% giá cả đầu vào, nhưng đang đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ thế, thử nghiệm trên 200.000 ha lúa đã thành công giảm 10% phát thải khí metan, và Bộ đang đặt mục tiêu 1 triệu ha lúa phát thải thấp”.