Tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã chia sẻ về sản xuất lúa gạo bền vững từ Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thế giới.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời đã chia sẻ về sản xuất lúa gạo bền vững tại triển lãm “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế”. |
Khoảng một nửa dân số thế giới ăn cơm mỗi ngày! Gạo là thực phẩm thiết yếu và nó không chỉ quan trọng đối với an toàn lương thực, mà việc sản xuất lúa gạo còn là nguồn sinh kế quan trọng đối với trên 150 triệu nông hộ trên toàn thế giới, đa số họ là người nghèo, và rất nhiều nông hộ đang gieo trồng trên những thửa ruộng chưa đầy 1 hecta, là nguồn sống của cả gia đình họ.
Lúa gạo vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” góp phần vào việc biến đổi khí hậu. Việc trồng và chế biến lúa gạo đang tạo ra lượng khí thải nhà kính (GHG) đáng kể, bao gồm khí metan, oxit nitơ (N2O) và cacbonic (CO2) - 10% lượng khí thải metan toàn cầu và chiếm 25-33% lượng khí thải metan của khu vực Đông Nam Á.
Phát thải khí metan trong canh tác lúa (Nguồn: Số liệu từ WB Khám phá Dữ liệu Khí hậu 2018 của FAOSTAT và CAIT) |
Từ việc trồng lúa, hàng năm các cánh đồng ở khu vực Mekong, Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Thói quen phơi khô lúa sau thu hoạch theo cách truyền thống (như phơi lúa trên đường, trên sân ở nông thôn) và hiệu quả xay xát gạo thấp (định mức thu hồi gạo xay xát so với đầu vào của lúa) ở nhiều quốc gia làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này.
Tất cả những dữ liệu này cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng hiện nay, việc sản xuất lúa gạo đang không “bền vững” và cần một sự thay đổi mang tính chiến lược.
“Trước hết, phát triển bền vững nằm trong GENE của chúng tôi từ khi được thành lập từ 30 năm trước, chúng tôi đưa thông điệp này vào tầm nhìn, sứ mệnh của mình và triển khai nó thông qua tất cả các hoạt động trong 30 năm qua và không ngừng thực hiện trong hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Duy Thuận nhấn mạnh về chiến lược phát triển bền vững tại Tập đoàn Lộc Trời.
Khi nhìn nhận tính khẩn cấp của việc “phát triển bền vững”, các nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và toàn tập đoàn triển khai chiến lược này trong các hoạt động hàng ngày của công ty.
Đầu tiên, trên đồng ruộng, thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời; đào tạo nông dân thực hành các tiêu chí SRP với tiền thưởng để xây dựng thói quen; mời cơ quan quốc tế xác minh và chứng nhận các chứng chỉ quốc tế; triển khai cho tất cả nhân viên, tất cả các quy trình của công ty và tất cả nông dân hợp tác; đa dạng hóa khi luân canh nuôi trồng giữa tôm và lúa, Lộc Trời có thể sản xuất loại gạo thơm tốt nhất trên thế giới là "gạo tôm".
Thứ hai, trong các nhà máy chế biến, nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch như rơm rạ cho khí sinh học, ủ rơm làm phân bón hữu cơ, dùng rơm làm giá thể trồng nấm tăng thu nhập cho nông dân, ép trấu viên dùng cho nhà máy phát thay thế than nhập khẩu, sản xuất nano silica từ trấu, dùng cám để sản xuất vật dụng nhà bếp thay thế nhựa…; giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch bằng cách áp dụng kaizen trong 10 nhà máy của Lộc Trời để tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%; áp dụng năng lượng mặt trời trong tất cả các nhà máy của Lộc Trời để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Và cuối cùng, về quản lý và kiểm soát, số hóa tất cả các hoạt động trong Lộc Trời để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa.