Kinh doanh phục hồi
Kết thúc quý IV/2020, báo cáo tài chính của CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh thu thuần đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 77,4% so với cùng kỳ năm 2019, biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 19,99%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với quý IV/2019, giúp lãi gộp tăng 86,3%, đạt 710,7 tỷ đồng.
Dù các chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính đồng loạt gia tăng, nhưng sự cải thiện về lợi nhuận gộp vẫn giúp Công ty thu về 212 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn 2,83 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 163,7 tỷ đồng, tăng 3,79 lần.
Trong đó, đáng chú ý là mảng kinh doanh gạo của Lộc Trời hưởng lợi từ xu hướng tăng cả về nhu cầu và giá trong bối cảnh nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao do dịch bệnh, còn quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan lại gặp khó khăn và Hiệp định EVFTA tạo thêm động lực xuất khẩu sang EU, một thị trường trọng điểm của Lộc Trời.
Nhờ đó, riêng quý IV/2020, doanh thu mảng lương thực (chủ yếu là gạo) của Lộc Trời đã đạt 1.201 tỷ đồng, cao hơn 30% doanh thu mảng này trong 9 tháng đầu năm và tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cả năm cũng đạt 2,62%, tăng mạnh so với mức 1,38% của năm 2019.
Cùng với mảng lương thực, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật trong quý IV/2020 cũng tăng mạnh khi đạt 2.106 tỷ đồng, tăng 60% so với quý IV/2019, giúp bù đắp cho sự sụt giảm của nửa đầu năm.
Chờ kết quả tái cấu trúc
Lộc Trời là doanh nghiệp đầu ngành nông nghiệp, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và lương thực. Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật của Công ty hiện chiếm trên 20% thị phần cả nước.
Tuy vậy, sau giai đoạn tăng trưởng nhanh, tình hình kinh doanh của Công ty trong những năm gần đây khó khăn do thị trường thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng bão hòa trong bối cảnh ngành nông nghiệp bị đánh giá là lạm dụng thuốc trên cây trồng. Xu hướng tiêu dùng ngày càng hướng đến các sản phẩm hữu cơ, sinh học, an toàn hơn với sức khỏe và canh tác thân thiện với môi trường.
Đối với kinh doanh như giống cây trồng, lúa gạo, giá và nhu cầu thị trường thường xuyên biến động phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và thị trường thế giới.
Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Lộc Trời cho biết, đang định hướng tái cấu trúc kênh phân phối ở mảng vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gạo thương hiệu, áp dụng công nghệ, đổi mới quản trị, nâng hiệu suất làm việc.
Triển khai mảng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp theo hướng cung cấp dịch vụ trọn gói theo yêu cầu nông dân, thay vì chỉ đơn thuần cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất hiệu quả hơn so với mô hình tập trung vào sản phẩm, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất như trước.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, HĐQT Lộc Trời đã trình và được cổ đông thông qua việc bổ sung ngành sản xuất điện, cụ thể là điện mặt trời vào các ngành nghề kinh doanh. Tuy vậy, hiệu quả của quá trình tái cấu trúc chưa thực sự rõ ràng trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến nông nghiệp.
Bước sang năm 2021, hoạt động kinh doanh của Lộc Trời dự báo sẽ thuận lợi nhờ thời tiết bớt khắc nghiệt hơn năm 2020, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên toàn cầu được dự báo tiếp tục ở mức cao sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng sản lượng và duy trì giá bán cao.
Thêm vào đó, gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn nhờ các hiệp định EVFTA, CTCPP giúp giảm hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang các quốc gia thành viên. Từ đó, Công ty có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường hiện hữu cũng như phát triển thị trường mới.
Song, khó khăn vẫn nhiều khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh giảm giá, chấp nhận thanh toán chậm… Công ty sẽ phải giải quyết bài toán dòng tiền để giảm thiểu áp lực chi phí tài chính, cải thiện dòng vốn để đầu tư, cũng như giảm thiểu rủi ro, chi phí từ các khoản chiếm dụng vốn khi mà báo cáo tài chính của Lộc Trời cũng cho thấy, Công ty vẫn đang chịu áp lực chiếm dụng vốn khá lớn, nhất là tại khoản tồn kho, phải thu.