- Nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
- Nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
- Khu công nghệ cao Đà Nẵng tiếp thị các nhà đầu tư Pháp tại Paris
- Nhiều ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng
- Ưu tiên 5 lĩnh vực thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao
- Công nhận Công viên phần mềm Đà Nẵng là Khu Công nghệ thông tin tập trung
Tại buổi họp báo, ông Phùng Tấn Viết, Trưởng BQL KCNC Đà Nẵng cho biết, từ trước đến nay Chính phủ rất quan tâm đến phát triển công nghệ cao trong đó ưu tiên 3 KCNC cấp quốc gia là là KCNC ở Hà Nội (KCNC Hòa Lạc), KCNC ở Đà Nẵng và KCNC ở TP. HCM. Riêng 2 khu CNC ở Hà Nội và Đà Nẵng là 2 khu quy mô cấp tổng cục.
Trong quá trình xây dựng và hình thành, từ tháng 8 năm 2010 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động của KCNC Đà Nẵng. Điều này được cụ thể bằng các nghị định như Nghị định 35 được Chính phủ ban hành năm 2017 về vấn đề cơ chế tiền thu, tiền thuế đất rất ưu đãi. Và mới đây nhất chính là Nghị định 04/2018/NĐ-CP.
Trưởng BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng Phùng Tấn Viết trả lời các câu hỏi của phóng viên |
Theo ông Viết, Nghị định 04/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sẽ là một công cụ rất quan trọng xuyên suốt cả quá trình hoạt động của KCNC Đà Nẵng với rất nhiều cơ chế đặc biệt; đồng thời Nghị định sẽ là cú hích cho sự phát triển của KCNC Đà Nẵng trong thời gian tới.
“KCNC Đà Nẵng được xác định là 1 trong 3 KCN cao quốc gia và được định hướng sẽ phát triển trở thành khu đô thị công nghệ cao khu vực Tây Bắc của Đà Nẵng trong tương lai,” ông Viết nói.
Cũng theo ông Phùng Tấn Viết, trong thời gian qua KCNC Đà Nẵng đã được Chính phủ quan tâm đầu tư rất lớn. Tính từ thời điểm lúc thành lập (tháng 8/2010) cho đến năm 2020, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng của KCN Cao Đà Nẵng được dự tính sẽ vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính đến lúc này, con số đó đã đạt 60%. Tương đương hơn 1.300 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo BQL KCNC Đà Nẵng cho rằng thời điểm 2018 được xác định là thời điểm “tăng tốc đầu tư, thu hút đầu tư” tại KCNC Đà Nẵng. Tính đến nay KCNC Đà Nẵng đã có hơn 400 ha đất sạch với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông,cấp điện, cấp nước… để sẵn sàng phục vụ cho nhà đầu tư. KCNC Đà Nẵng cũng đã thu hút được 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD. Trong đó có 3 dự án FDI với vốn đầu tư 100 triệu USD.
Lãnh đạo BQL KCNC Đà Nẵng cũng đã công bố các thông tin về Nghị định 04/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng đã được Chính phủ ban hành.
Hệ thống hạ tầng tại KCN Cao Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ hoàn thiện |
Như Báo Đầu tư online đã đưa tin Nghị định 04/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018 tập trung vào 2 nội dung chính là thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại KCNC và chính sách ưu đãi đầu tư.
Nghị định nêu rõ, ngân sách trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu (phần vốn ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ trong từng giai đoạn) cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong KCNC và các chương trình quốc gia phát triển KCNC. Hàng năm, trong trường hợp vượt thu ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho KCNC nhằm sớm đưa KCNC hoàn thành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào năm 2020.
Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố Đà Nẵng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng cần thiết, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án, công trình này do ngân sách thành phố bảo đảm.
Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư, Nghị định nêu rõ các ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư.
Theo đó, miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê trong các trường hợp: Đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu được phê duyệt; đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại KCNC theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (trừ dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCNC).
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định quy định mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong KCNC. Đối với các dự án đầu tư mới vào KCNC có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm.
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCNC được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% như đối tượng người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp theo khoản 5 Điều 49 Luật nhà ở.
Bên cạnh đó, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong KCNC.
Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án trong KCNC, bao gồm: Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định trên được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.