Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tìm giải pháp “mềm”, thay vì ép buộc doanh nghiệp.
Năm ngoái, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, UBCK từng đề xuất buộc các doanh nghiệp lớn đang niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Mục tiêu của giải pháp này nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ thị trường... tăng điểm về minh bạch, nhất là đang trong quá trình nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Ở thời điểm đó, một số ý kiến, nhất là từ phía chuyên gia, nhà đầu tư ủng hộ nỗ lực này của UBCK..
Buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh hiện chưa phù hợp
Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Phát |
Trong bối cảnh hiện tại, việc có công bố thông tin bằng tiếng Anh hay không nên xuất phát từ nhu cầu và khả năng của các doanh nghiệp. Việc đưa ra quy định pháp lý buộc doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh là chưa phù hợp. Nếu làm như vậy chẳng khác nào dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào quyền tự do hoạt động của doanh nghiệp. Áp đặt quy định này mà doanh nghiệp nào không tuân thủ sẽ bị xử phạt là không ổn. Hơn nữa, căn cứ vào đâu để phân định như thế nào là doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn, để buộc họ phải công bố thông tin bằng tiếng Anh?
Những năm tới đây, trên cơ sở đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, cũng như đánh giá kỹ lưỡng mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, đồng thời qua rà soát các yêu cầu hội nhập quốc tế, thì mới nên tính đến ràng buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, đề xuất buộc các doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh của UBCK đã vấp phải sự phản ứng từ phía các đối tượng bị điều chỉnh, nên nhà quản lý đành lùi bước. Kết cục là tại Thông tư 155/2015 thay thế Thông tư 52/2012, nhà quản lý chỉ yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký công bố thông tin bằng tiếng Anh, còn các đối tượng khác chỉ dừng ở mức khuyến khích.
Hệ quả của sự “nhượng bộ” trên, theo UBCK là đang mang lại một số tác động tiêu cực. Việc chưa có quy định ràng buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân khiến cho nỗ lực nâng hạng thị trường gặp khó khăn.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam đạt điểm thấp về quản trị công ty trong năm 2015 so với các quốc gia trong ASEAN, theo UBCK là do chỉ có một số ít doanh nghiệp công bố báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, dẫn đến khó khăn trong quá trình chấm điểm, cũng như việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ thực tế trên, một số ý kiến cho rằng, UBCK không nên trì hoãn việc buộc các doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Do đó, cần bổ sung vào chương báo cáo và công bố thông tin tại dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, các điều khoản về buộc doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh, thay vì không đả động gì đến nội dung này như phiên bản đang lấy ý kiến.
Theo đó, có ý kiến cho rằng, với những doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng trở lên, đồng thời có quan hệ thương mại thường xuyên với các bạn hàng và thị trường nước ngoài; có tính đại chúng cao, nhất là có sự xuất hiện thường xuyên của cổ đông nước ngoài…, thì phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, việc nên để doanh nghiệp tự giác hay đưa ra quy định pháp lý buộc họ công bố thông tin bằng tiếng Anh hiện có nhiều ý kiến trái chiều.
Cần buộc công ty có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên công bố thông tin bằng tiếng Anh
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam |
Thị trường chứng khoán là thị trường bậc cao trong nền kinh tế thị trường. Luật chơi trên thị trường này ngay khi mở cửa cách đây 16 năm đã đi theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Do đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu hơn vào thị trường chứng khoán toàn cầu, để tránh bị tụt hậu, nên bổ sung vào dự thảo Nghị định quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, nội dung ràng buộc doanh nghiệp có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng trở lên phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Tuy việc thực hiện quy định này sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí, nhưng không đáng kể. Hơn nữa, với những công ty có vốn lớn, thì nên đánh đổi bằng việc trang trải thêm một ít chi phí, nhưng hình ảnh và thương hiệu của công ty sẽ được quảng bá rộng hơn tới thị trường nước ngoài, nhất là với các doanh nghiệp có quan hệ thương mại và bạn hàng quốc tế đa dạng, thường xuyên, có nhiều cổ đông nước ngoài. Mặt khác, giới đầu tư nước ngoài phàn nàn việc thiếu quy định pháp lý ràng buộc doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, khiến họ không chỉ mất thời gian, mà còn tốn chi phí trong quá trình tìm hiểu, đánh giá thông tin về doanh nghiệp, thậm chí bị lỡ cơ hội đầu tư.
Bên cạnh những ý kiến phản đối hoặc đề nghị tìm một pháp mềm hơn thay vì ép buộc doanh nghiệp, ý kiến ủng hộ buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang hội nhập sâu với thị trường chứng khoán khu vực và toàn cầu, việc đưa ra các quy chuẩn ràng buộc doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh là một trong những cách gia tăng tính chủ động hội nhập quốc tế không chỉ trên khía cạnh doanh nghiệp, mà cả trên góc độ toàn thị trường. Mặt khác, Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với các tổ chức đa phương và song phương về trao đổi thông tin quản lý, giám sát thị trường, nhằm ngăn ngừa các giao dịch bất minh.
Do đó, tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, thị trường dễ dàng và nhanh chóng không chỉ là nhu cầu của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nước ngoài mà Việt Nam có quan hệ hợp tác, mà còn là đòi hỏi của giới đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cũng như thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, vốn cần sự tham gia của nhà đầu tư ngoại khi sức cầu trong nước hạn chế. Đó là chưa kể việc có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm công bố thông tin bằng tiếng Anh, sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện điểm số về quản trị công ty, cũng như nâng hạng thị trường thành công.
Một chuyên gia về quản trị công ty cho rằng, ở những nước mà ý thức tự giác áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty còn yếu kém như Việt Nam, thì kinh nghiệm cho thấy các nước thường đưa ra các quy định mang tính áp đặt, cưỡng chế thực thi. Điều này mới làm thay đổi nhận thức và ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, chứ nếu trông chờ vào sự tự thân thay đổi của doanh nghiệp, thì không biết đến bao giờ mới cải thiện điểm số về quản trị công ty, trong đó có các cấu phần điểm về minh bạch thông tin. Kinh nghiệm này nên được tham khảo, nghiên cứu sâu trong việc cân nhắc có nên ràng buộc doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh hay không.
“Cần một giải pháp mềm và khả thi”
Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ
Một chính sách mà mục tiêu của nhà quản lý quá vênh, nếu không muốn nói là tạo sự xung đột lớn với các đối tượng bị điều chỉnh, thì khó khả thi. Chuyện ràng buộc doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh đang trong tình huống này. Do đó, để điều hòa tính xung đột này, cần có một giải pháp “mềm”, để hai bên chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại trước khi tính đến áp đặt các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Mới đây, trong thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ thông tin, được UBCK và CTCP StoxPlus ký kết, có nội dung hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong công bố thông tin tự nguyện bằng tiếng Anh của các công ty đại chúng theo Thông tư 155/2015/TT-BTC, nhằm góp phần đáp ứng tiêu chuẩn về công bố́ thông tin trong chiến lược nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của MSCI. Triển khai hiệu quả giải pháp này sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, TTCK Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Sau thời gian nhà quản lý “gánh đỡ” trách nhiệm về minh bạch thông tin bằng tiếng Anh theo cách này cho doanh nghiệp, sẽ tiến tới đưa ra quy định pháp lý buộc doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.