Thời sự
Công chứng phi lợi nhuận, ai muốn làm?
Hàn Tín - 10/04/2014 13:55
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách băn khoăn với quy định coi công chứng là dịch vụ phi lợi nhuận.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phòng công chứng: Tồn tại hay giải thể?
Có nên khống chế tuổi hành nghề của công chứng viên?
Mở rộng công chứng giao dịch bất động sản
Tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào mua nhà

Theo Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi thì nguyên tắc hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận.

Lý do để đưa ra quy định này, Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu. Đồng thời, đây là loại hình dịch vụ do Nhà nước ủy quyền, Nhà nước cũng đặt ra giới hạn về số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn nhất định, do đó tính cạnh tranh trong hoạt động này đã bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không thể sử dụng các lợi thế này để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như cách hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định.

Vì vậy, hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân và tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước như giới hạn về địa bàn hoạt động, về hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí công chứng trong phạm vi khung giá theo quy định của Nhà nước nên nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” trong hoạt động công chứng là hợp lý.

   
  Bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù là hoạt động kinh doanh dịch vụ đặc thù đi chăng nữa thì tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ công chứng vẫn lấy mục tiêu lợi nhuận làm chính khi bỏ vốn ra thành lập văn phòng công chứng. “Nếu không có lợi nhuận thì không ai dại gì bỏ vốn ra đầu tư”, bà Hải nói.

“Cũng tương tự như việc đầu tư thành lập trường đại học, chúng ta coi đầu tư vào lĩnh vực này là không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trên thực tế, bất cứ nhà đầu tư nào khi bỏ vốn thành lập hoặc góp vốn, mua cổ phần tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn lấy lợi nhuận là mục tiêu xuyên suốt để theo đuổi. Không có lợi nhuận chẳng ai đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học cả”, bà Hải phát biểu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Hồ Trọng Ngũ cũng cho rằng, văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước, nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận.

Mặt khác, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công) hay chuyển nhượng văn phòng công chứng.

“Nếu không có lợi nhuận thì bên nhận chuyển nhượng hoặc chuyển đổi tổ chức hành nghề công chứng sẽ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra cho việc nhận chuyển đổi, chuyển nhượng văn phòng công chứng bằng cách nào”, ông Ngũ băn khoăn.

“Chúng ta thừa nhận công chứng là một loại dịch vụ. Đã là cung cấp dịch vụ thì lợi nhuận luôn được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Vì vậy, nếu Luật Công chứng coi công chứng là loại hình dịch vụ phi lợi nhuận thì chắc chắn không có nhiều người bỏ vốn ra thành lập văn phòng công chứng. Điều này đi ngược với tinh thần xã hội hóa cung cấp dịch vụ công”, ông Ngũ phân tích.

Theo Dự thảo Luật Công chứng, văn phòng công chứng hoạt động như doanh nghiệp tư nhân (do một công chứng viên thành lập) hoặc công ty hợp danh (do 2 công chứng viên trở lên thành lập). Tuy nhiên, văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh lại không được có thành viên góp vốn như đối với loại hình kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp đối với công ty hợp danh.

“Quy định này rõ ràng là hạn chế việc đẩy mạnh xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ công vì không khuyến khích được các cá nhân có khả năng tài chính nhưng không đủ điều kiện thành lập văn phòng công chứng bỏ vốn thành lập văn phòng công chứng. Quy định này cũng hạn chế việc phát triển mạng lưới văn phòng công chứng, vì rất nhiều công chứng viên hành nghề, những người có đủ điều kiện thành lập văn phòng công chứng lại không có khả năng tài chính để tự đứng ra thành lập văn phòng công chứng”, bà Hải bình luận.

Tin liên quan
Tin khác