“Bung ra - siết lại”
Mới hôm rồi, trong lễ kỷ niệm 10 năm Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), lại thấy chuyên gia kinh tế cao cấp Vũ Quốc Tuấn xuất hiện. Ông khỏe và nhanh nhẹn hơn rất nhiều so với tuổi 88.
Ông là một trong những người đầu tiên sát cánh cùng PCI vượt qua lớp rào cản nhạy cảm, đó là chấm điểm, xếp hạng sự năng động của lãnh đạo địa phương. Trước đó, vào những năm 2000, ông là thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, trực tiếp đối mặt với các bộ, ngành trong cuộc chiến chống giấy phép con… Nghe ông kể, hồi đó, nhiều vị lãnh đạo đã đặt thẳng vấn đề, chuyên gia Tổ công tác hay chuyên gia PCI lấy quyền gì mà làm điều đó.
Ông Vũ Quốc Tuấn (đứng, thứ hai từ phải sang) tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra công trình đường dây 500 KV năm 1992 |
“Nhìn lại, những vị lãnh đạo dám đối mặt với Bảng xếp hạng PCI đầu tiên đều ‘ghi điểm’. Họ tạo dựng được một đội ngũ doanh nghiệp dân doanh mạnh vì tuân theo những đòi hỏi từ thực tiễn”, ông Tuấn nói.
Vốn là chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ, trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1985-1994, thành viên Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ những năm 1993-2006, nên ông Tuấn chứng kiến nhiều “đòi hỏi” từ thực tiễn phát triển kinh tế, mà không phải lúc nào, việc đáp ứng cũng thuận buồm. Khó khăn nhất, theo ông, là những năm đầu sau giải phóng.
Kể về thời điểm này, ông Tuấn nhiều lần nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện 1976-1980, cuộc khủng hoảng mà tới tận năm 1996, Đại hội Đảng VII mới công nhận sự tồn tại của thuật ngữ này, vì thời đó quan niệm “chủ nghĩa xã hội không có khủng hoảng”.
“Với giới nghiên cứu kinh tế, đây là một chặng đường thú vị. Khi kinh tế khó quá phải tìm cách bung ra, nhưng tư duy không đổi kịp lại siết lại, rồi lại bung ra, mà cao trào là Đại hội VI với những quyết sách đổi mới tư duy mạnh mẽ…”, ông Tuấn nhớ lại và gọi giai đoạn này là giai đoạn đổi mới đầy khúc khuỷu..
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, mô hình kinh tế của miền Bắc được áp đặt với miền Nam, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo tiểu thương, tiểu chủ. Sau này tổng kết, những sai lầm trong việc áp dụng mô hình này một cách chủ quan, duy ý chí được chỉ ra. Nhưng khi đó, mọi việc được thực hiện trên diện rộng. Hậu quả, kinh tế ở miền Nam sa sút, niềm tin giảm mạnh, lòng dân ly tán.
Tính chung cả nước, tốc độ tăng GDP 1976-1980 chỉ khoảng 1,4%, trong khi dân số tăng bình quân 2,24%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng “phi mã”. Năm 1983: tăng 448%; năm 1984 tăng 759,3%...
“Đau lòng nhất là TP.HCM, sát vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long mà dân phải ăn bo bo. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã kể lại với tôi khi nhắc lại giai đoạn này rằng, ông ấy đau lắm”, ông Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Lúc đó, ngoài thị trường, giá lúa là 2,5-3 đồng, giá thu mua của Nhà nước chỉ là 2,5-3 hào. Không người dân nào chịu bán cho Nhà nước, mà Nhà nước thì không thể mua theo giá thị trường.
“Ông Kiệt đã nói, người lãnh đạo khổ nhất là nhìn dân đói. Ông quyết định bật đèn xanh để thành lập Tổ thu mua lúa gạo - tiền thân của Công ty Lương thực TP.HCM, chạy gạo cho dân ăn, cử bà Ba Thi, Tổ trưởng xuống Đồng bằng sông Cửu Long mua thóc gạo, cho quân đội áp tải xe lúa về thành phố…”, ông Tuấn kể lại.
Sau này, nhiều người trong cuộc đã nói, làm vậy họ có thể đi tù, nhưng họ quyết làm vì ông Kiệt nhận gánh trách nhiệm cao nhất, và hơn thế, lúc đó không làm là đói. Ngay cả quyết định vay ngoại tệ từ Vietcombank để nhập nguyên liệu cho Xí nghiệp Dệt Thành Công để công nhân có việc, giải quyết tệ nạn lan rộng… cũng ở tình thế rủi ro tương tự… Ông Tuấn nhận định, có lẽ khi đó, ông Kiệt đã nhìn thấy những điểm sáng từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV vào tháng 7/1979.
Nói đến thời điểm bắt đầu của tư duy đổi mới kinh tế, mở đầu công cuộc Đổi mới vào cuối năm 1986, ông Tuấn cho rằng, cần nhắc đến kỳ họp tháng 7/1979. Đây là cuộc họp dự định bàn về công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng. Nhưng tình hình căng quá, đói kém khắp nơi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương báo cáo về tình hình cấp bách và những giải pháp về kinh tế. Chính trong kỳ họp này, những thuật ngữ như “đổi mới”, để “sản xuất bung ra”, “kế hoạch 3 phần” của doanh nghiệp nhà nước… xuất hiện.
TP.HCM nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới ấy để “xé rào” trong nhiều lĩnh vực, đầu tiên là phá giá thu mua lúa gạo. Long An thực hiện bù giá vào lương. Khoán 100 trong nông nghiệp vào năm 1981… Ở ngoài Bắc, kinh nghiệm khoán của Đoàn Xá được thí điểm ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đem lại kết quả tích cực…
Thế nhưng, một số lãnh đạo Trung ương lo ngại, thấy cần “siết lại”. Tháng 9/1982, có Nghị quyết số 01-NQ/TW để uốn nắn lại những biểu hiện bị coi là chệch hướng ở TP.HCM. Tháng 11/1982, Chỉ thị số 11-CT/TW yêu cầu “đình chỉ ngay” tình trạng mua lúa giá cao, bán vật tư giá cao, trở về cơ chế thu mua theo giá chỉ đạo. Tháng 1/1983, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW uốn nắn lại những biểu hiện bị coi là buông lỏng quản lý ở Hà Nội… Đặc biệt, chiến dịch Z30 thực hiện năm 1983 nhằm tịch thu tài sản của những người bị cho là có thu nhập bất minh (thực hiện trước hết ở Hà Nội) khiến không khí trở nên ngột ngạt.
“Nhưng cũng may, Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã mở ra tư duy mới, chính thức khẳng định đường lối đổi mới toàn diện đất nước, thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo hướng thị trường được manh nha trước đó”, ông Vũ Quốc Tuấn kể lại và trân trọng nhắc đến những vị lãnh đạo đã dám vượt qua sức ép để đi thuận theo lòng dân, theo dòng chảy của đời sống xã hội.
Bài học “thực tiễn”
Trong câu chuyện về chặng đường quanh co của công cuộc đổi mới kinh tế 40 năm qua, ông Tuấn nhắc nhiều đến cụm từ “bài học thực tiễn”.
Ông nói, công cuộc đổi mới cho thấy, nếu người lãnh đạo dám nhìn vào cuộc sống để ra quyết sách, họ sẽ thành công. Ngay cả thời kỳ ngột ngạt nhất, những năm 1982-1985, với hàng loạt yêu cầu siết chặt lại thị trường, nhưng thực tế các nơi không thực hiện nhiều.
“Khi là trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi có dịp đi các địa phương miền Nam để nghiên cứu, thời gian này, nhiều địa phương, doanh nghiệp nói họ đã không làm theo. Nếu không bung ra thì chết đói, công nhân không có việc. Trong nông nghiệp, bung ra rồi thì sao thu lại được”, ông Tuấn nhớ lại.
Cũng phải nói thêm, quyết định dám lờ đi này có lý do. Thời điểm đó, từ năm 1984 đến 1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã có 6 bài phát biểu nổi tiếng tại các hội nghị Trung ương với những phân tích về mô hình kinh tế hiện hành, tác hại của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, yêu cầu thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa, của giá cả, thị trường... Vì các bài này, không ít lần ông bị phê bình gay gắt, nhưng tư duy đổi mới đã bắt đầu lan truyền nhanh.
Để có được hệ thống tư duy lý luận mới, ông Tuấn kể, những năm 1982-1985, ông Trường Chinh đi rất nhiều, miền Bắc, miền Nam. Hai lần về Long An nghiên cứu “bù giá vào lương”; dự cuộc gặp với doanh nghiệp miền Nam tại Đà Lạt, chứng kiến cảnh giám đốc khóc vì không có nguyên liệu sản xuất; về quê Nam Định nghe bà con than về hợp tác xã đói khổ...
Năm 1982, ông Trường Chinh đã tổ chức nhóm nghiên cứu gồm nhiều chuyên gia có trình độ, tâm huyết, làm việc và lắng nghe họ về chính sách kinh tế mới, về phát triển sản xuất, sử dụng thị trường... Ông cũng là người nói câu “đổi mới hay là chết” khi nhìn thấy thực tiễn cuộc sống đang rất khác với những bản báo cáo mà Trung ương nhận được. Đây là cơ sở quan trọng để vào tháng 7/1986, trong vai trò Tổng bí thư, ông đã chỉ đạo soạn lại Báo cáo chính trị trình Đại hội VI năm 1986, văn bản được cho là phát động công cuộc Đổi mới của Việt Nam.
Giờ nhìn lại, sự thành công về mặt đường lối kinh tế của Đại hội VI có vai trò đậm nét của ông Trường Chinh. “Chỉ có điều, ảnh hưởng của tư duy cũ vẫn còn, bộ máy nhân sự chưa đủ sức hiện thực hóa đường lối này, cho nên chặng đường cải cách kinh tế của Việt Nam không thật suôn sẻ…”, ông Tuấn trầm ngâm.
Chuyện 40 năm sau
Ông Tuấn luôn giữ quan điểm, người lãnh đạo dám dương đầu và thành công nếu có lý luận, có thực tiễn và đặc biệt là biết lắng nghe, biết sử dụng người tài. “Trước thế, giờ cũng vẫn thế”, ông Tuấn khẳng định.
Ngay từ khi là Bí thư TP.HCM đến sau này ở vị trí Thủ tướng, ông Kiệt vẫn thường xuyên trao đổi thông tin với nhóm chuyên gia gồm nhiều trí thức của chế độ Sài Gòn. Có những trí thức như Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước, đặc biệt cả ông Nguyễn Xuân Oánh, từng là Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng, có thời gian là quyền Thủ tướng trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chính họ, bằng kiến thức kinh tế thị trường và tâm huyết với dân tộc, đã góp nhiều vào quyết sách kinh tế của ông Kiệt.
Cũng phải nói thêm, năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, sau này là Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, hoạt động cho đến năm 2006, quy tụ nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực...
Gần đây, theo ông Tuấn, tình hình đất nước có nhiều thay đổi, nhưng thiếu vắng quyết sách lớn về cải cách thể chế phù hợp. Do đó, thành tựu đạt được tuy lớn, nhưng chi phí quá đắt. Đồng thời, bộ máy nhà nước có nhiều yếu kém, khiến quyết sách đúng không được triển khai đến nơi, đến chốn, làm cho thị trường thêm méo mó. Không ít văn bản liên quan đến sản xuất, kinh doanh xa rời thực tế, cản trở doanh nghiệp hoạt động…
Ông Tuấn tâm sự: “Con đường đổi mới là tất yếu, không thể đảo ngược, nhưng thường không bằng phẳng. Thế nhưng, tôi tin vào dân ta, vào sức mạnh tinh thần và vật chất của dân ta. Đất nước ta không thể nghèo mãi được, không thể tụt hậu tiếp về kinh tế. Nhưng đổi mới phải thuận theo dòng chảy của thời đại, theo các quy luật khách quan. Bởi vậy, nếu chúng ta cứ cường điệu đặc thù của Việt Nam thì sẽ lạc lõng, lạc điệu, thậm chí là lạc hướng...”.
Hiện tại, dòng chảy thời đại là cuộc chơi mới với hàng loạt cam kết mà Việt Nam với tư cách là người chơi sẽ phải thay đổi thể chế để hợp theo luật chơi mới. Ông Tuấn mừng vì đang thấy sự thuận dòng của công cuộc đổi mới của Việt Nam với thời đại khi nhìn vào hệ thống pháp luật về đầu tư – kinh doanh đang gần hơn với thông lệ quốc tế.