Chợ Hàn |
Chợ Hàn, Đà Nẵng, 9 giờ sáng.
Từng nhóm khách ngoại quốc chen chân dọc lối đi chính dẫn vào khu chợ du lịch lớn nhất Đà Nẵng. Kiốt bày bán đồ thủ công mỹ nghệ - nơi Hạnh bán hàng không nằm ở trung tâm, thậm chí hơi khuất, nhưng khách người Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn tìm đến đều đều.
Thấy hai người phụ nữ ghé chân, Hạnh lướt nhìn thật nhanh để “định vị” quốc tịch rồi đon đả chào bằng tiếng Hàn “Annyeong haseyo”. Cô mỉm cười mời họ xem hàng. Khách ngắm nghía một chiếc lót cốc bằng gốm Bát Tràng, trang trí hình hoa sen, chuồn chuồn, có viền và quai treo được đan từ làng mây tre Phú Vinh. Mặt hàng có giá 120.000 đồng, là thứ bán chạy nhất ở cửa hàng này. Trong quầy, mỗi sản phẩm đều là duy nhất.
Khách mặc cả còn một nửa, nhưng Hạnh trả lời hàng bán đúng giá và không bớt được. Họ xem thêm mấy món đồ rồi rời đi. Cô bán hàng nói lời cảm ơn, nụ cười vẫn không tắt.
Kiốt này là nơi duy nhất có máy tính tiền bằng mã vạch và POS, máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng. Người chủ có tổng cộng 10 cơ sở trong một chuỗi những cửa hàng như thế.
Bốn năm trước, Hạnh từng vào tận Vũng Tàu làm công nhân. Công ty phá sản, Hạnh về Đà Nẵng, rồi lại dạt lên chợ Mai đứng quầy bánh mì cho một công ty nhỏ. Có chút kinh nghiệm bán hàng, Hạnh mày mò tự học thêm tiếng Anh, một số câu giao tiếp các thứ tiếng khác như Nhật, Hàn, Trung… Lương cứng cùng với doanh số bán hàng bây giờ cho cô thu nhập khoảng 6 triệu mỗi tháng, ổn định và nhàn nhã hơn cuộc sống công nhân.
Cửa hàng của Hạnh |
Hạnh người gốc Đà Nẵng, sinh ra ở làng chài ven biển Thọ Quang, quận Sơn Trà. Năm 8 tuổi, cô rời Đà Nẵng về Quảng Nam sống, khi thành phố giải tỏa những túp lều lụp xụp để mở rộng đường, chỉnh trang đô thị. Nhiều năm sau, Hạnh lấy chồng, trở về Đà Nẵng sinh sống.
Hơn mười năm trôi qua, Hạnh không còn nhận ra nơi mình từng sống. Những làng chài nhìn ra biển biến thành đại lộ, khu đô thị mới. Thọ Quang bây giờ còn có một khu nghỉ dưỡng cao cấp, rộng 39 ha, với hàng trăm phòng đều nhìn ra biển. Năm ngoái, Tổng thống Nga đã chọn nơi này làm nơi tổ chức họp báo về kết quả của APEC 2017.
Nơi cư ngụ của dân chài, người lao động với rừng dương, cát trắng, không điện, không đường… giờ thành resort, khách sạn năm sao, là nơi ghé chân thường xuyên của người giàu khắp thế giới.
***
Những ngày hè, anh Trần Dũng hiếm hoi lắm mới được ở nhà ăn cơm với vợ con. Anh Dũng là lái xe du lịch đã 10 năm nay, thường đưa khách nước ngoài đi dọc con đường di sản miền Trung như Hội An, Huế. Đến bây giờ, Dũng đi lại như con thoi giữa Huế - Hội An và Đà Nẵng. Nhất là trong hai tháng diễn ra lễ hội pháo hoa. Cây Cầu Vàng mới khánh thành nổi tiếng khắp báo nước ngoài cũng khiến khách Âu hỏi thăm nhiều. Hai tháng nay, anh chạy lên Bà Nà như cơm bữa.
Lái xe Trần Văn Dũng |
Tổ chức GaWC (Mạng lưới nghiên cứu Toàn cầu hóa và Thành phố quốc tế) của Anh công nhận Việt Nam có hai thành phố quốc tế là TP HCM – nằm trong danh sách Beta+ cùng với những Munich, Athens hay Boston; và Hà Nội trong danh sách Beta cùng hạng với Thẩm Quyến, Berlin và Geneva. Nhưng những người đã theo dõi tốc độ phát triển của Đà Nẵng trong thập kỷ qua đều có một nhận định chung: việc trung tâm kinh tế của miền Trung Việt Nam lọt vào danh sách các thành phố quốc tế chỉ là điều sớm muộn.
***
Sáu tháng đầu năm 2018, có khoảng 1,6 triệu khách quốc tế tới Đà Nẵng. Trong đó, khoảng 800 nghìn khách Hàn Quốc, hơn 300 nghìn khách Trung Quốc, còn lại rải rác từ các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha.
Ba năm trở lại đây, Du lịch là khoa tuyển sinh đông nhất của Đại học Duy Tân. Năm nay, chỉ tiêu ngành này tăng khoảng 30%. Năm 2017, trường cũng tăng chỉ tiêu tuyển gấp đôi năm 2016. Đây cũng là khoa mà sinh viên chưa ra trường đã có thể kiếm được việc làm ngay.
Thầy Bùi Kim Luận, Phó khoa cho biết những “ông lớn” trong ngành du lịch của thành phố luôn dành sự ưu ái cho sinh viên ngành này. Dịp Tết 2018, Sun World Ba Na Hills “đặt hàng” 1.500 sinh viên về thực tập và làm thêm; hoặc một doanh nghiệp ở tận Phú Quốc về tuyển. Thế nhưng, trường chưa đáp ứng được hết.
Để giải quyết phần nào bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao, trường đào tạo song song hai chương trình: thường và quốc tế. Sinh viên chương trình quốc tế được đào tạo song ngữ. Ngôi trường này cũng có những chương trình liên kết hoặc trao đổi sinh viên với những đất nước có nền du lịch mạnh như Hàn Quốc, Thái Lan….
Thầy Luận cho rằng, Đông Nam Á vẫn là ngôi sao du lịch của châu Á lẫn thế giới, nên phải hướng đến du lịch bền vững. Đào tạo nhân lực chất lượng cao là một phần trong đó. Cộng với cách sống, nét văn hóa của người miền Trung sẽ tạo cho Đà Nẵng có vị thế, có thể cạnh tranh với những nơi khác.
***
Công việc lái xe không nhàn hạ nhưng cho anh Dũng thu nhập ổn định nuôi vợ con. Thường xuyên phải đưa đón khách nước ngoài, anh cũng học thêm vài câu tiếng Anh giao tiếp. Tính tình cũng phải “đằm” hơn, chứ không bỗ bã như dân công trình trước đây.
Mỗi dịp rảnh rỗi, anh đưa vợ con đi chơi quanh thành phố, thăm thú các khu vui chơi. “Đà Nẵng có hết rồi, cần thì phải đi xa nữa”, anh nói.
Người tài xế nhận ra mỗi năm, thành phố đáng sống này dường như lại có thêm một điểm giải trí mới. Điều đó phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay của nhiều người trẻ: thích tiện nghi, được hưởng thụ và có nhiều tiện ích.
Mỗi lần có khách ghé cửa hàng, Hạnh đều cố gắng nghe giọng điệu, nhìn hình dáng mà đoán là khách nước nào. Cô nhận thấy khách Nhật Bản có niềm say mê với đồ gốm và thường chiêm ngưỡng rất lâu. Khách Hàn thì thích những thứ đẹp, lạ. Khách Trung Quốc thường trả giá rất gắt gao. Những khi đó, Hạnh chỉ lắc đầu cười và chỉ tay lên tấm biển “Only fixed price”, chứ không bao giờ tỏ thái độ “trớt quớt” với khách.
“Dù là người nước nào thì đó cũng là khách của mình, nên phải đối xử như nhau. Lời nói không mất tiền mua mà”, cô gái trẻ nói về phương châm phục vụ khách hàng.
Đà Nẵng hội nhập, không chỉ diện mạo thành phố thay đổi, những con người của thành phố này cũng hội nhập, một cách nhanh chóng.