Chuyển đổi số - Kinh tế số
Công nghệ chỉ quyết định 30% mức độ thành công trong hành trình chuyển đổi số của địa phương
Hữu Tuấn - 18/07/2021 06:42
Muốn chuyển đổi số thành công thì yếu tố tiên quyết là nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu và bộ máy chính quyền.

Đặt kỳ vọng vào chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang được nhiều địa phương xác định là động lực quan trọng, quyết định sự bứt phá cho các địa phương trong tương lai. Hàng loạt địa phương đã đề ra lộ trình, kế hoạch, mục đích cho hành trình chuyển đổi số.

Đầu tàu kinh tế TP.HCM, nơi những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, đã xác chương trình chuyển đổi số của Thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển từ nay đến năm 2030. Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP...

Dự kiến, đến năm 2030, TP.HCM có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...

Còn tại Hà Nội, Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng với nhiều chỉ tiêu quan trọng như: 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố và cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng; giá trị của kinh tế số chiếm hơn 40% GRDP; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 80%.

Tại Thái Nguyên, tỉnh đầu tiên có “Ngày chuyển đổi số”, Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 vươn lên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Thái Nguyên tự tin phấn đấu đến năm 2025 có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm cả thiết bị di động; 100% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Hàng loạt tỉnh, thành phố khác cũng đã ban hành nghị quyết, chương trình chuyển đổi số như Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Phước, Ninh Bình, Quảng Trị, Bình Định, Tây Ninh, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Nam...

Nhân tố quan trọng nhất

Tại Diễn đàn Đối thoại phát triển địa phương 2021 mới đây, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối Internet nói riêng đã rất phát triển. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân.

Để thực hiện chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cần quan tâm 3 yếu tố cơ bản:

Thứ nhất, là hạ tầng công nghệ. Đây là điều kiện cần mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số.

Thứ hai, là hệ thống thể chế, chính sách liên tục được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, thậm chí chưa từng có, cùng với những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.

Thứ ba, là phát triển nhân tố con người, trong đó, người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số.

“Để có được 3 yếu tố quan trọng này, rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số theo lộ trình đã vạch ra”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tương tự, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số thì 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo, là tri thức của hệ thống chính quyền. Công nghệ chỉ chiếm 30%.

“Chuyển đổi số là máy tính thay lao động trí óc. Chúng ta phải dạy cho máy tính trước về tri thức của chúng ta, rồi máy tính sẽ tự học tiếp dựa trên dữ liệu mới. Có nghĩa, sự thông minh của máy tính thì đầu tiên là do tri thức của hệ thống chính quyền. Những người xuất sắc nhất của chính quyền phải tham gia cùng với những người làm công nghệ. Chính quyền địa phương càng dùng nhiều thì hệ thống càng thông minh lên. Tóm lại, lãnh đạo thì quyết tâm làm, chuyên viên thì chuyển giao tri thức cho máy tính, doanh nghiệp công nghệ thì tạo ra nền tảng số, cán bộ công chức thì làm việc trên nền tảng số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Mức trung bình mà các nước chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, cho chuyển đổi số là 1% ngân sách hàng năm, mức cao là trên 2%, chưa thấy ai chi trên 4%. Trung bình của Việt Nam hiện nay đang là 0,3%. Vậy các tỉnh, thành phố hãy chi khoảng 1% ngân sách hàng năm. Nếu muốn đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là những năm đầu này cần làm ngay các nền tảng, thì có thể chi 2%.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tin liên quan
Tin khác