Công nghệ sản xuất điện năng từ rác thải đạt hiệu quả cao
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về quản lý chất thải rắn đến năm 2050, phát triển công nghệ sản xuất điện rác ở nhiều quốc gia hiện nay giúp cải thiện đáng kể khả năng xử lý nhiều loại rác thải và đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về tính thân thiện với môi trường. Trong đó, công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll và công nghệ lò đốt ghi cơ học (Waterleau) có thể đốt cháy nhiều loại rác thải khác nhau với hiệu suất cao, chuyển hóa năng lượng từ rác thải thành điện năng.
Về lợi ích, với khả năng xử lý đa dạng do hệ thống cung cấp phương thức xử lý nhiều loại rác thải, bao gồm rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại, các công nghệ điện rác giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp, bảo vệ môi trường và tiết kiệm diện tích đất.
Cụ thể, điện năng được tạo ra từ quá trình đốt rác thải có thể được sử dụng cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, hệ thống xử lý khí thải tiên tiến giúp giảm thiểu khí thải độc hại, góp phần cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, quá trình đốt cháy được kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu khí thải độc hại, tro xỉ còn lại sau khi đốt được xử lý an toàn và tái sử dụng để đảm bảo thân thiện với môi trường.
Một số nhà máy điện rác đang vận hành tại Việt Nam
Công nghệ điện rác SUS-Hitachi Zosen Vonroll được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy điện rác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể kể đến như Nhà máy Điện rác Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM. Đây là nhà máy điện rác đầu tiên tại TP.HCM sử dụng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll.
Ngày 20/7/2024, Bamboo Capital và công ty con BCG Energy đã khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Dự kiến giai đoạn I của Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, với công suất xử lý lên đến 2.600 tấn rác thải/ngày và sản xuất 120 MW điện. Dựa trên tính toán dự báo, lượng phát thải CO2 giảm khoảng 257.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư kế hoạch cho giai đoạn I là 6.400 tỷ đồng, giai đoạn II là 7.000 tỷ đồng và giai đoạn III cũng là 7.000 tỷ đồng.
Dự án khác là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, diện tích trên 17,5 ha, thuộc Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nam Sơn tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tổng mức đầu tư nhà máy là hơn 8.000 tỷ đồng, công suất xử lý 4.000 tấn rác thô/ngày đêm (tương đương 5.000-5.500 tấn rác ướt tiếp nhận), xấp xỉ 70% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP. Hà Nội .
Công suất phát điện ghi nhận là 90 MW với 5 lò đốt. Quy trình biến rác thải sinh hoạt thành điện năng tại nhà máy diễn ra theo một chuỗi công đoạn chặt chẽ. Ban đầu, rác thải được tập trung và vận chuyển đến bể chứa. Tại đây, rác được ủ 5 - 7 ngày để giảm độ ẩm và khối lượng. Sau đó, rác được đưa vào hệ thống đảo trộn để phân loại và làm đồng đều trước khi đưa vào lò đốt. Quá trình đốt cháy rác sẽ sinh ra nhiệt lượng lớn, làm nóng nước trong lò hơi và tạo ra hơi nước có áp suất cao. Hơi nước này sẽ tác động lên các cánh quạt của turbin, làm quay turbin và từ đó kéo theo máy phát điện hoạt động. Cuối cùng, điện năng sản xuất ra sẽ được truyền đi qua hệ thống phân phối để cung cấp cho lưới điện quốc gia. Việc đốt rác thải sinh hoạt để phát điện không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất, mà còn tạo ra nguồn điện sạch.
Tính đến tháng 8/2024, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn là nhà máy điện rác lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 3 trên thế giới, sau Nhà máy của Công ty Warsan ở Dubai và Nhà máy Điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc). Tuy nhiên, việc vận hành và phát triển một nhà máy công nghệ cao như thế này đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải được trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Với tầm nhìn phát triển lâu dài, nhà máy cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghệ và sản xuất.