Cuối tuần trước, đoàn 34 doanh nghiệp Nhật Bản, bao gồm cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã làm việc cả ngày với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam.
| ||
Công ty Nakashima đầu tư nhà máy sản xuất chân vịt tàu thủy tại Hải Phòng để phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu. (Ảnh: Đức Thanh) |
Mặc dù chủ đề của buổi làm việc này là đối thoại chính sách, lần đầu tiên được thực hiện giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Keidanren, nhằm thúc đẩy các cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam, song với những gì các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, có thể thấy, cơ hội hút vốn đang đến tay khối công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Bởi, như đề nghị thẳng thắn của ông Nakayayma Jun, đại diện Tập đoàn Toyota Tsusho, các nhà đầu tư đang rất cần “nhìn thấy những quy định rõ ràng về danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô cũng như những ưu đãi, bao gồm cả ưu đãi cho đầu tư mới và đầu tư mở rộng”, để quyết định thêm các khoản đầu tư mới tại Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực phụ tùng, linh kiện của Nhật Bản rất muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Họ cần sự dẫn hướng của các văn bản, quy định cụ thể trong các ngành đã xác định”, ông Nakayayma Jun trao đổi.
Thậm chí, ông Toru Yoshioka, Giám đốc Công ty Hitachi Zosen (Hitz) hối thúc hành động cụ thể trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là phần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và chính sách miễn thuế đối với thiết bị nhập khẩu để đầu tư dự án.
“Chúng tôi đang xây dựng báo cáo khả thi dự án đầu tư nhà máy điện sử dụng nguồn chất thải công nghiệp. Nhà máy có công suất 1.930 kw và dự kiến được xây dựng tại TP.HCM với vốn đầu tư 100 triệu USD. Theo kế hoạch, báo cáo này sẽ hoàn tất để trình các cơ quan của Việt Nam vào tháng 6/2014”, ông Toru Yoshioka nói.
Ngay Tập đoàn IHI, một trong 2 doanh nghiệp trong liên danh nhà thầu Nhật Bản (IHI - Sumitomo Mitsui) đang thi công Dự án cầu Nhật Tân cũng đang triển khai dự án đầu tư đầu tiên của mình tại Khu công nghiệp Đình Vũ – Hải Phòng trong lĩnh vực sản xuất ống thép, phụ tùng máy móc với tổng vốn đầu tư khoảng 47,7 triệu USD. “Nhà máy sẽ được vận hành vào 5/2014, sớm hơn dự kiến là năm 2015 đã được đưa ra trước đó”, ông Izumi Imoto, Tổng gám đốc Tập đoàn IHI cho biết.
Cũng phải nói thêm, theo Quyết định 1043/QĐ-TTg (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 7/2013) Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 6 ngành công nghiệp chiến lược (điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô) được xác định giữ vai trò dẫn dắt trong thu hút đầu tư, tạo lan tỏa công nghệ và kỹ năng cho các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Đặc biệt, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các ngành này sẽ được ưu tiên phát triển đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam để đạt được giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng 20%/năm và đóng góp 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.
Như vậy, với mục tiêu rất cụ thể, như xây dựng kế hoạch hành động để thu hút vốn của nhà đầu tư Nhật Bản vào các ngành ưu tiên và ngành có liên quan, có giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm của 6 ngành cũng như tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này… đang được các nhà đầu tư, trong đó đặc biệt là nhà đầu Nhật Bản, coi là điều kiện vô cùng thuận lợi để khởi động các dự án đầu tư mới và mở rộng tại Việt Nam trong thời điểm này.
Bảo Duy