Cú hat-trick
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho hay, năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2021. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt 34,336 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD, xuất siêu hơn 26 tỷ USD, trong khi năm 2021, Việt Nam xuất siêu chỉ hơn 4 tỷ USD. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên, doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của 1 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Bên cạnh cú hat-trick này, năm 2022 còn ghi nhận số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021 và vượt thời hạn 3 năm so với mục tiêu đến năm 2025.
Năm 2022, cũng là năm ghi dấu Việt Nam trên bản đồ quốc tế bằng việc doanh nghiệp Việt ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm IoT cho lĩnh vực y tế và thành công trong nghiên cứu - phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G.
Cùng với đó, trong năm 2022, các tập đoàn lớn tăng cường đầu tư R&D tại Việt Nam. Theo đó, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) đánh giá, công nghiệp công nghệ số đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.
“Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Việt Nam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới”, ông Nghĩa nói.
Nhắm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ICT
Viettel là doanh nghiệp đầu đàn trong sản xuất công nghiệp hiện nay. Năm 2022, Viettel lần đầu tiên xuất khẩu thiết bị truyền dẫn IP hỗ trợ tốc độ 100 Gbps đáp ứng các yêu cầu của mạng 5G do Viettel làm chủ từ nghiên cứu đến sản xuất sang thị trường Ấn Độ. Xuất khẩu giải pháp Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) do Viettel phát triển vào các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Lào, Nam Phi… Mỗi năm, Viettel đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng cho công nghiệp công nghệ cao.
Ông Lê Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh giải pháp quốc tế (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - VTS) đề xuất, Chính phủ cần có các chính sách đặc thù để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao Make in Việt Nam, nhằm thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường các chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế với Chính phủ, bộ, ngành của các quốc gia trong chiến lược chuyển đổi số để các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận, triển khai các dự án tại thị trường nước ngoài.
Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT kiến nghị 5 giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Theo đó, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực. Thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ. Đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực CNTT.
Đánh giá về cơ hội của doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, cách đây 10 - 15 năm, doanh nghiệp Việt chủ yếu thực hiện một số công đoạn của sản phẩm phần mềm, nhưng gần đây đã có thể làm toàn bộ sản phẩm. Một số đối tác nước ngoài chỉ đưa đầu bài, còn lại là do doanh nghiệp làm. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang nâng tầm trong chuỗi giá trị.
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ giúp các doanh nghiệp khai phá thị trường trong nước, lấy đó làm bàn đạp vươn ra nước ngoài, để lĩnh vực công nghiệp công nghệ số gia tăng giá trị, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp người dân hạnh phúc và đất nước phát triển.