Ô tô - xe máy
Công nghiệp ô tô: Cuộc đua vào sản xuất
Hoàng Nam - 02/01/2019 05:32
Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, hình thành nên các trung tâm cơ khí ở khu vực là cách mà nhiều doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đang triển khai trong thời gian gần đây.

Bắt đầu từ cồng kềnh 

Chia sẻ về cách thức nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện, phụ tùng trên xe ô tô mà Thaco sản xuất, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã cho hay, trước tiên, công ty chọn lựa phụ tùng có kích thước lớn, cồng kềnh, hàm lượng công nghệ không cao để đạt mục tiêu thiết thực là giảm ngay được giá thành qua chi phí vận chuyển. 

Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải sẽ đóng vai trò trung tâm cơ khí tại miền Trung.

Tiếp đến, các cụm linh kiện và mảng chi tiết lớn được hợp tác với các đối tác nước ngoài, các nhà sản xuất linh kiện để trao đổi, đối lưu. Trong quá trình này, Thaco cũng đồng thời chia sẻ chi phí để phát triển công nghệ với mục tiêu công nghệ phát triển linh kiện phụ tùng luôn theo được nhu cầu thị trường. 

“Những chi tiết phụ tùng  yêu cầu về công nghệ không cao, Công ty tự sản xuất,  đồng thời chuyển giao một phần cho các doanh nghiệp nhỏ ở Đà Nẵng, Quảng Nam bởi có thể tổ chức với chi phí rẻ hơn. Đối với việc phối hợp cùng các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ở nước ngoài, hai chi nhánh của Thaco tại Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ mua các nguyên vật liệu và gia công các chi tiết phụ tùng ô tô tại Việt Nam chưa gia công được, sau đó đối lưu với các chi tiết phụ tùng, linh kiện đã sản xuất được trong nước. Nhờ vậy, Thaco xuất khẩu các áo vải và da bọc ghế, các chi tiết linh kiện cơ khí mà mình sản xuất khi thiết lập được sản lượng cao để có chi phí kinh tế”, ông Dương nói. 

Nhờ cách đi này mà sau 15 năm phát triển tại Chu Lai, Thaco đã có 32 công ty, đặc biệt có 1 tổ hợp cơ khí hỗ trợ về sản xuất linh kiện, với diện tích 85 ha, vốn đầu tư 24.350 tỷ đồng, chia theo các nhóm linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, hóa chất, điện tử… 

Không chỉ sản xuất linh kiện phụ tùng, trong giai đoạn chuẩn bị hội nhập ASEAN, Thaco đã nghiên cứu, cho ra đời thương hiệu xe Bus Thaco với định vị sản phẩm cao hơn sản phẩm Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, xe bus của Thaco đang chiếm hơn 70% thị trường Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cơ bản để doanh nghiệp ký kết với Mercedes, Volvo tiến tới sản xuất xe bus bán tại thị trường Việt Nam và xuất qua ASEAN, tận dụng thuế bằng 0%. 

“Cách làm của xe bus cũng được áp dụng với xe tải khi Thaco hợp tác với Mitsubishi - Fuso (Nhật Bản), Daimler để sản xuất, xuất khẩu sang các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%. Trong giai đoạn tới đây, chúng tôi nỗ lực để nâng tỷ lệ nội địa hóa của xe con (Kia, Mazda) lên 40%, xuất khẩu sang các nước có tay lái thuận trong ASEAN”, ông Dương cho biết. 

Tính tới hết năm 2018, Thaco đã đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD với phụ tùng và sản phẩm, trong đó riêng năm 2018 là 8 triệu USD. Mục tiêu năm 2019 là đạt kim ngạch xuất khẩu 20 triệu USD. 

 Với nền tảng cơ khí đã gầy dựng được trong 15 qua tại Chu Lai, Thaco đang hướng tới việc hình thành Trung tâm cơ khí miền Trung và kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam lẫn nước ngoài đến đặt cơ sở sản xuất linh kiện phụ tùng không chỉ cho ô tô, mà còn cho cả nông nghiệp. 

“Tại Chu Lai đã có tổ hợp cơ khí từ vật liệu thép, các nhà máy gia công khuôn, cho đến gia công các máy móc thiết bị hiện đại, kể cả khâu nhiệt luyện, ngoài các chi tiết phụ tùng ô tô. Nhờ vậy, Thaco đã thực hiện gia công cơ khí cho nhiều doanh nghiệp khác ở khu vực miền Trung và Đà Nẵng với trị giá 386 tỷ đồng trong năm 2018”, ông Dương nói. 

Vị thuyền trưởng của Thaco cũng cho hay, gần đây đã tiếp xúc với các nông dân có sáng kiến khoa học kỹ thuật và thấy rằng, họ không hiểu cách thức tổ chức để làm sao có  giá thành rẻ mà sản phẩm lại bền. Vì vậy, Thaco sẽ hỗ trợ về vấn đề này cũng như sẵn sàng chia sẻ máy móc lớn với các doanh nghiệp ở khu vực để tận dụng đầu tư và cùng phát triển. 

Kéo thêm vệ tinh 

Đi chậm hơn một chút, nhưng Tập đoàn Thành Công cũng đang dốc sức cho mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa của xe du lịch Hyundai lên 50% vào cuối năm 2020 với sự  hỗ trợ của Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc). Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Huyndai Thành Công cho hay, hiện nay đã có 25 doanh nghiệp vệ tinh của Hyundai tại Hàn Quốc đã và đang làm thủ tục đầu tư vào Ninh Bình. Để đạt được mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 50% vào cuối năm 2020, trong năm 2019, sẽ có thêm những doanh nghiệp vệ tinh khác đến Việt Nam. “Số lượng sẽ không nhiều nhưng là các chi tiết quan trọng như dập thân vỏ xe…”, ông Đức nói. 

Hiện Thành Công cũng đã gửi sang Tập đoàn Hyundai danh sách các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để phân tích cơ hội hợp tác ngay tại Việt Nam. 

“Để tăng tỷ lệ nội địa hóa, bước đầu sẽ dựa vào các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, sau đó các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam cùng lĩnh vực. Chúng tôi có thể hợp tác với Thaco bởi Kia và Hyundai đều là sản phẩm của một tập đoàn”, ông Đức nhấn mạnh. 

Năm 2018 này, Hyundai Thành Công chắc chắn vượt qua con số 60.000 xe ô tô nhãn hiệu Hyundai (gồm cả xe du lịch, lẫn xe thương mại). Con số này cũng được cho là ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn Việt Nam để làm cứ điểm sản xuất của Hyundai tại khu vực ASEAN. 

“Kinh doanh tốt thì sản xuất mới có thể tăng được, sản xuất nhiều mới cần sản xuất lượng linh kiện phụ tùng lớn, khi đó tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Chuỗi quan hệ này cần giải quyết ở ngọn thì mới phát triển được gốc” là chia sẻ được ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) khi nói đến câu chuyện gia tăng đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam hiện nay. 

TMV là doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài đạt tỷ lệ nội địa hóa cao trong ngành và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này. Hiện mẫu xe Vios - mẫu xe CKD chiến lược của TMV có số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. 

Bộ Công thương đang đề xuất việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp đang nhập nguyên chiếc quay trở lại lắp ráp. Khi đó, công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát triển.

 

Hiện tại, TMV đã có 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam. 

Cũng đến sau, nhưng VinFast đang thu hút được nhiều sự trông chờ với những kế hoạch lớn trong ngành ô tô cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Trước đó, mức giá xe ô tô được công bố của VinFast đã làm nhiều người ngạc nhiên và đáp ứng được lòng mong mỏi của người tiêu dùng Việt. Sở dĩ có mức giá như vậy là do VinFast có chính sách 3 không: không lấy lãi, không tính chi phí tài chính và không tính khấu hao đầu tư rất lớn ban đầu.

Để tối ưu hóa mức giá hiện hành, theo bà Lê Thu Thủy, Chủ tịch VinFast, hiện tại, VinFast đang điều chỉnh số lượng nhà cung cấp để hướng tới tỷ lệ nội địa 60%. “Để đạt tỷ lệ này, chúng tôi sẽ phải mời rất nhiều nhà cung cấp nước ngoài về để đặt nhà máy trong khu công nghiệp phụ trợ của VinFast, đồng thời VinFast cũng phải sản xuất một số linh kiện”, bà Thủy cho biết.

“Trong thời gian qua, mặc dù gấp rút, nhưng chúng tôi cố gắng thu hút nhiều doanh nghiệp nội để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong thời gian tới, VinFast sẽ có các buổi trao đổi với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp khác muốn sản xuất linh kiện cho VinFast để tăng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nữa”, bà Thủy chia sẻ.

Cũng theo kế hoạch này, doanh nghiệp trong khu công nghiệp phụ trợ VinFast sẽ được hỗ trợ các chính sách về giá thuê mặt bằng, hỗ trợ thủ tục. “Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã ký kết cùng VinFast sản xuất linh kiện ô tô và dự kiến trong vài năm tới số lượng này sẽ tiếp tục tăng”, bà Thủy nói.

Chờ lực đẩy  

Theo ông Kinoshita, khó khăn lớn nhất hiện nay mà TMV gặp phải vẫn là quy mô thị trường còn nhỏ, dẫn đến chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt, khi thuế nhập  khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0%.

“Chúng tôi mong muốn xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỷ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiếp đến, có chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, có những chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam”, ông Kinoshita nói. 

“Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng về ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện được sản xuất tại Việt Nam hay cân nhắc những hỗ trợ trực tiếp cho việc đầu tư khuôn và đồ gá để bù đắp sự thiếu hụt về dung lượng thị trường so với các nước trong khu vực. Nếu được vậy, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều trong quyết định đẩy mạnh nội địa hóa”, Tổng giám đốc TMV bày tỏ. 

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Bá Dương cho hay, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên phát triển kinh tế theo hướng ổn định và bền vững. Khi đó, thị trường sẽ phát triển và khi có thị trường thì phải có chế tài, đồng thời phải khuyến khích. 

Cho rằng, “nếu xây nhà mà nhập hết các nguyên liệu, trong nước chỉ có đất, đá, xi măng thì không được”, ông Dương cũng cho biết, Bộ Công thương có đề xuất việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm sản xuất trong nước và đây là chính sách rất tốt, phải làm ngay. “Nếu chúng ta thực hiện điều này, ngay cả các doanh nghiệp chuyển từ lắp ráp sang nhập nguyên chiếc cũng quay trở lại lắp ráp. Khi họ lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát triển”, ông Dương nói.

Tin liên quan
Tin khác