Doanh nghiệp
Công nghiệp xi măng đang... sống mòn
Mạnh Bôn - 24/11/2024 17:18
Mặc dù ngành công nghiệp xi măng nói riêng, sản xuất vật liệu xây dựng nói chung vẫn tăng trưởng, nhưng theo TS. Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, công nghiệp xi măng đang… sống mòn.
TS. Trần Bá Việt, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, ngành công nghiệp xi măng vẫn tăng trưởng, sao ông lại cho rằng ngành này đang… sống mòn?

Trong 10 tháng năm 2024, toàn ngành xi măng sản xuất được 149,4 triệu tấn, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP 9 tháng tăng 6,82%) thì không sống mòn, chết mòn là gì.

Từ đầu năm đến nay, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới trong hầu hết các lĩnh vực tăng, thì ngành xây dựng giảm 5,3% về số lượng, giảm gần 10% về số lao động. Ngành xây dựng suy giảm thì tất yếu ngành sản xuất vật liệu suy giảm, trong đó ngành sản xuất xi măng giảm mạnh nhất, vì xi măng cùng với sắt thép chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng mức đầu tư các công trình, dự án xây dựng.

Nhưng ngành công nghiệp xi măng vẫn tăng trưởng về sản lượng, nên không thể nói là sống mòn như ông nghĩ?

Số liệu của Tổng cục Thống kê không sai. Nếu chỉ nhìn vào số liệu thống kê, thì rõ ràng, doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng nói chung, công nghiệp xi măng nói riêng vẫn phát triển, sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Nhưng thực tế không phải như con số thống kê khô khan, mà nói đúng ra, ngành sản xuất xi măng đang chết dần, chết mòn vì hiệu quả sản xuất, lợi nhuận trên tổng mức đầu tư giảm rất mạnh. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành công nghiệp xi măng đang sản xuất dưới 50% công suất định danh, dẫn đến lãng phí, thiệt hại, khiến doanh nghiệp thua lỗ, người lao động không có đủ việc làm.

Theo ông, vì sao nên nỗi?

Nguyên nhân chính là thị trường bất động sản suy giảm. Chỉ khi giao dịch bất động sản sôi động, hoạt động xây dựng phát triển thì các ngành công nghiệp khác như xi măng, sắt thép, bê tông… mới tăng trưởng được.

Lĩnh vực bất động sản vẫn… bất động, chủ yếu do vấn đề thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm nói, thể chế, hạ tầng và con người là điểm nghẽn, trong đó, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do nghẽn ở thể chế nên thị trường bất động sản nói riêng bị ngưng trệ, dẫn tới hàng ngàn, hàng vạn dự án bất động sản đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Bất động sản ngưng trệ thì sản xuất xi măng cũng chết mòn.

Nhưng còn đầu tư công, vì các công trình, dự án đầu tư công tiêu thụ lượng xi măng vô cùng lớn, thưa ông?

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 là 355.616 tỷ đồng, bằng 47,43% tổng kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất xi măng gặp khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch, Chính phủ vẫn quyết tâm giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024. Ông có nghĩ, đây là lối thoát của ngành công nghiệp xi măng?

Mới đây nhất, trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2024, Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu tăng cường hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đối với nền kinh tế, việc quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công mang lại nhiều lợi ích, nhưng đối với ngành công nghiệp xi măng, thì dù vốn đầu tư công có hoàn thành vượt 10 0% kế hoạch cũng không đem lại nhiều hiệu quả.

Vì sao vậy?

Vốn đầu tư công phần lớn tập trung cho hạ tầng giao thông. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở Việt Nam chủ yếu sử dụng cát, thay vì xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác như nhiều nước đang thực hiện. Sử dụng cát làm vật liệu chủ yếu trong san lấp mặt bằng giao thông đường bộ có ưu điểm là rẻ, thi công nhanh, nhưng quá lạm dụng cát trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến nhiều hệ luỵ như sạt lở bờ sông, nạn cát tặc xảy ra khắp nơi, các địa phương có mỏ cát tìm cách giữ lại để phục vụ cho các dự án của địa phương mình, dẫn đến tình trạng nhiều công trình đầu tư công bị đình đốn do thiếu cát san lấp.

Tài nguyên cát chỉ có hạn, hàng năm cũng chỉ giới hạn khai thác một lượng nhất định vì cần phải có thời gian để tự nhiên bồi lắng, nhưng ở nhiều khu vực, tốc độ bồi lắng cát của tự nhiên đã gần cạn kiệt, càng khai thác càng khiến đất đai bị sụt lún...

Ý ông muốn nói là dùng xi măng thay thế?

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông như làm đường băng để nền kinh tế cất cánh, không có đường băng thì không thể cất cánh được. Nhưng cứ làm đường như hiện nay sẽ mất rất nhiều diện tích đất đai, mất rất nhiều tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Ví dụ, xây dựng đường cao tốc có mặt cắt 55 m, nếu xây cầu cạn, đường trên cao thì chỉ mất 17,5 m, trong khi diện tích đất ở dưới gầm cầu, đường cao tốc vẫn có thể khai thác, sử dụng. Hơn nữa, thời gian khai thác, sử dụng đường giao thông truyền thống ngắn hơn rất nhiều so với cầu cạn, đường trên cao.

Như vậy, xây dựng đường giao thông truyền thống tưởng rẻ mà hoá đắt hơn rất nhiều so với đường trên cao, cầu cạn, nhất là làm đường ở khu vực vùng đất yếu, chi phí xử lý nền đất rất tốn kém. Chính vì vậy, nhiều nước đã thay đổi cách làm đường, theo hướng bê tông hoá bằng đường trên cao, cầu cạn.

Tin liên quan
Tin khác