Thời sự
Công nhân mòn mỏi vì lương, thưởng Tết “bèo”
Đặng Chung - Thùy Liên - 29/01/2016 08:58
Các tỉnh phía bắc đang trong những ngày mưa rét, dù lạnh tê tái nhưng ai nấy cũng cảm nhận được Tết đang đến thật gần. Hà Nội hay các thành phố lớn đã tràn ngập sắc xuân khi đào, mai, quất đang đua nhau ra phố, thì ở góc đâu đó trong các khu nhà trọ, các khu công nghiệp, những người lao động vẫn mòn mỏi mong lương, chờ thưởng tết, hay đơn giản chỉ mong có cái tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tặng quà tết cho gia đình công nhân trong chương trình Tết sum vầy. Ảnh: Hải Nguyễn

 

Lương hơn 3 triệu/tháng, chi tiêu sao?

Tết Nguyên đán đã cận kề, ai cũng mong ngày về đoàn tụ vui vầy bên gia đình. Nhưng không phải ai, nhất là những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được mong ước tưởng chừng rất giản đơn đó.Trong số hàng nghìn công nhân có mặt trong chương trình Tết sum vầy 2016 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc - thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vào tối 28.1, rất nhiều gương mặt có nét vui khi mong ngóng ngày về quê ăn tết, nhưng cũng thoáng nét buồn vì vẫn canh cánh gắng nặng mưu sinh.

Đó là câu chuyện của gia đình phải chị Bùi Thị Sáng. Chị Sáng và anh Hà lấy đã hơn 7 năm nay và có với nhau hai mặt con. Mẹ ốm, em ruột bị tâm thần, cả gia đình trông vào 7 triệu đồng lương của cả 2 người.  Nếu chỉ 1 người đi làm thì không đủ nuôi con, nếu con ốm thì âm luôn tiền của cả hai vợ chồng. Hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà chăm, trong khi tình hình lương thì eo hẹp, phải làm tăng ca để kiếm thêm đồng trang trải. Và mỗi năm tết đến lại vừa mừng, vừa lo. Vui vì sau bao tháng ngày xa quê được đoàn tụ bên gia đình, nhưng tết đến có trăm thứ phải lo, trong khi tiền thưởng tết không nhiều. 

Còn câu hỏi “Lương hơn 3 triệu/tháng, chi tiêu sao?” của chị Lò Thị Sen – Cty điện tử BoYong (Bắc Ninh) khiến không ít người day dứt. Sen là chị cả trong gia đình, chị sớm phải bỏ học để đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống của gia đình và phụ nuôi các em nhỏ khi bố mẹ không được khỏe. Dáng người Sen mảnh khảnh, nhưng gánh nặng cuộc sống gia đình đã đặt lên đôi vai của cô gái bé nhỏ. Sen bảo chưa có người yêu, vì chẳng còn thời gian nào để hẹn hò. Ngoài giờ làm việc, Sen xin tăng ca, đi làm thêm việc khác để có thêm thu nhập.

Hàng tháng tích góp được 2 triệu gửi về nhà khi thu nhập 1 tháng được vẻn vẹn 3,5 triệu đồng. Chị kể: Tiền phòng 600.000 đồng, 900.000 lo ăn uống hàng ngày. Nhiều khi cũng thích cái áo đẹp, hay muốn sắm cho mình, nhưng nghĩ đến cha mẹ già và các em nhỏ đang ở nhà, tôi lại ngậm ngùi”.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh thì hai năm nay Chính phủ có chính sách để tăng lương liên tiếp, nhưng cuộc sống của công nhân vẫn rất khó khăn. Nếu chỉ trông vào đồng lương thì công nhân không đủ sống, nên người lao động buộc phải tăng ca để tăng thu nhập và tiết kiệm để gửi về gia đình. Đặc biệt với những gia đình có con nhỏ thì cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều. Con khỏe mạnh không sao, nhưng hễ ốm đau là bố mẹ lại thêm gánh nặng. Thời gian qua, chúng tôi đã dành đất để xây dựng những trung tâm văn hóa để công nhân sinh hoạt và kêu gọi giúp đỡ hỗ trợ các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

 Vẫn ngóng chờ thưởng tết

Theo báo cáo chưa đầy đủ, thưởng Tết Bính Thân 2016 bình quân tăng 15,7% so với năm 2015 (khoảng 5,5 triệu đồng/người). Tuy vậy, vẫn còn 14 doanh nghiệp nợ  lương công nhân; hơn 1.700 DN chưa có hoặc không có tiền thưởng Tết. Mức thưởng Tết năm nay cũng chênh lệch rất lớn, nhiều công nhân chỉ được thưởng vài chục ngàn đồng. Biết bao câu chuyện lương thưởng “dở khóc dở cười” đã được dư luận phản ánh trong thời gian qua.

Nhưng mắt chúng tôi vẫn đỏ hoe khi nghe câu chuyện của một nữ công nhân nghèo đang làm việc tại Đồng Nai kể về hoàn cảnh của mình. Chị là Hoàng Thị Chiến xa chồng, xa con để mưu sinh. Chị sống đời “sáng công nhân chiều bán vé số”, sau giờ làm, chiều đến chị Chiến lại tranh thủ đi bán vé số, rửa bát thuê để kiếm thêm thu nhập. Trên vai chị là gánh nặng nuôi con đang tuổi đi học và người chồng ốm  đau.  Đã 2 năm nay, chị chưa về quê ăn Tết, đêm nào trong giấc ngủ chị cũng nghĩ đến con.

Hàng nghìn công nhân trên khắp cả nước đều thấy hình ảnh của mình trong đó. Họ mong mỏi được doanh nghiệp tăng lương, hỗ trợ trong việc ăn ở, vì ai cũng có suy nghĩ “an cư mới lạc nghiệp”. Đời sống của công nhân lao động còn muôn vàn khó khăn và luôn cần những tấm lòng giúp đỡ, sự chia sẻ của tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Loan (Yên Phong, Bắc Ninh) có mặt tại chương trình từ rất sớm. Hỏi về chuyện thưởng tết, chị Loan chạnh lòng: “Năm nay thì chưa biết sao, còn năm ngoái Cty thưởng tết tháng lương thứ 13, nhưng lương cơ bản của tôi chỉ hơn 2 triệu. Với số tiền thưởng ít ỏi ấy, thì chẳng thể chi tiêu đủ trong dịp tết. Nghe thông tin chỗ nọ, Cty kia được thưởng vài chục triệu, ngẫm mình lại thấy buồn”. Nâng niu tấm vé xe về quê được chương trình trao, chị Loan bảo, tết này vậy là yên tâm về quê, không phải chen người trên xe khách như mọi năm nữa.

Thấu hiểu tâm tư, tình cảm đó, vào mỗi dịp cuối năm, các cấp công đoàn lại chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với chính quyền, chuyên môn và người sử dụng lao động tham gia giải quyết chính sách lương, thưởng Tết, tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho CNLĐ: Tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức xe đưa, đón CNLĐ về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ để những công nhân không có điều kiện về quê được sum vầy với gia đình, để người lao động nào cũng có tết, đầm ấm và yên vui.

Tin liên quan
Tin khác