Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. |
Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy "rất sơ hở", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét khi phát biểu tại phiên họp sáng 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ là nội dung của phiên họp này.
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, tình hình cháy nổ từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước tới nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy "rất sơ hở", bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nga nhận xét, thường cứ mỗi vụ cháy xảy ra thì sau đó chúng ta rà soát lĩnh vực đấy. Ví dụ, cháy karaoke sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke. Bây giờ cháy chung cư mini chúng ta lại rà soát chung cư mini.
“Chúng tôi cho rằng, công tác phòng cháy chúng ta thực hiện chưa tốt. Không chỉ với chung cư mini mà đối với chung cư cao tầng khi xảy ra cháy hậu quả cũng sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được", bà Nga nói.
Bà Nga lưu ý, vào năm 2018, Quốc hội đã có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy, chữa cháy và đã ban hành Nghị quyết 99 sau cuộc giám sát này
Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh giúp Quốc hội kiểm tra lại Nghị quyết về phòng cháy, chữa cháy, đề xuất Chính phủ tăng cường thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đề ra trong nghị quyết đó.
Liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường của nhiều tỉnh, thành trên cả nước vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy diễn ra phổ biến.
Riêng Thành phố Hà Nội hiện có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 cơ sở không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng phản ánh, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả các nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam , làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Cụ thể là nhiều công trình đã được đầu tư theo phương án cũ bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014/NĐ-CP, có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng, nay nếu thẩm định để tuân thủ những quy định mới được ban hành tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP sẽ phát sinh nhiều vướng mắc.
Như phải chỉnh sửa cả kết cấu công trình có thể làm suy giảm tuổi thọ, hay là lắp thêm những đường ống dẫn nước để giúp khả năng dập tắt đám cháy khi xảy ra hỏa hoạn cũng cần đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng trong căn nhà không chỉ làm suy yếu kết cấu mà còn gia tăng chi phí xây dựng…
Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy được ban hành không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam, chính vì không nghiệm thu được công trình mới và sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), QCVN 06:2022 có hiệu lực từ ngày 16/1, tính đến 26/4 là khoảng 3 tháng và "chưa có công trình nào đưa vào hoạt động kể từ khi QCVN 06:2022 có hiệu lực, báo cáo thẩm tra phản ánh.