Điểm nóng
Công trình bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 63 qua Cà Mau: Nhiều tổ chức, cá nhân phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm
Bảo Như - 23/09/2021 21:36
Hàng loạt tổ chức và cá nhân vừa bị bộ chủ quản kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ 63, gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn giao thông.
Một đoạn Quốc lộ 63 qua địa bàn tỉnh Cà Mau tại thời điểm tháng 5/2021, mặt đường bị hư hỏng nặng, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Bê trễ kéo dài

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 9783/BGTVT-VP báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý, bảo trì Quốc lộ 63 qua địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn hỏa tốc số 3196/VPCP-CN gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xem xét, xử lý đề nghị của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, liên quan việc Quốc lộ 63 qua địa bàn tỉnh Cà Mau hư hỏng nhiều, nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục…

Quốc lộ 63 qua địa phận tỉnh Cà Mau dài 40,4 km (Km74+200 - Km114+629) được đầu tư, nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2001.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thường xuyên tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ. Kinh phí đã bố trí trong các năm 2019, 2020 khoảng 14 tỷ đồng, riêng năm 2021 khoảng 9 tỷ đồng.

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nghiên cứu đề xuất, nghiên cứu sửa đổi các quy định theo đề nghị của ĐBQH Nguyễn Quốc Hận và tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể về việc quản lý Quốc lộ 63 để xử lý nghiêm.

Trước đó, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó phản ánh tình trạng Quốc lộ 63 (tuyến đường Nguyễn Trãi qua nội đô TP. Cà Mau) do Cục Quản lý đường bộ 4 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý, bị hư hỏng nghiêm trọng, nhưng gần một năm qua vẫn chưa được sửa chữa, khắc phục, khiến việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho biết, Quốc lộ 63 vào mùa khô bụi bay mù trời, các hộ trên tuyến đường này phải treo các tấm cao-su trước cửa nhà để tránh bụi; mùa mưa thì phải lần dò từng bước nếu không muốn sụp xuống ổ gà, ổ voi…

“Nhân dân, cử tri nhiều lần phản ánh; báo, đài Trung ương, địa phương cũng đã đưa tin và đích thân tôi đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ở Kỳ họp thứ 10 và có một văn bản thỉnh cầu đến Bộ GTVT. Ngay cả UBND tỉnh Cà Mau cũng có nhiều văn bản kiến nghị việc khắc phục, nhưng đoạn đường trên vẫn trơ trơ, thách thức sự can đảm vượt khó của người dân”, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận chia sẻ.

Cũng tại văn bản trên, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho rà soát lại các văn bản dưới luật, cần có phân cấp mạnh cho địa phương những nội dung, phần việc mà địa phương có thể làm được và thậm chí làm tốt hơn. Trên cơ sở đó, cắt bớt một số “cánh tay nối dài” của các bộ, ngành nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy và xem xét giảm bớt quy trình thủ tục, thời gian các dự án đầu tư cơ bản.

Đáng lưu ý, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận đề nghị Bộ GTVT có hình thức xử lý đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng lơ là, thiếu trách nhiệm, gây khó, gây khổ cho dân và cho sửa chữa ngay tuyến Quốc lộ 63 thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau (nếu còn chờ đầy đủ thủ tục thì cho dặm vá, khắc phục ngay các ổ gà, ổ voi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại).

Trong Công văn số 9783/BGTVT-VP, Bộ GTVT cho biết, để duy trì điều kiện khai thác bình thường trên các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau, bao gồm Quốc lộ 63, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam hằng năm bố trí vốn để quản lý, bảo trì, sửa chữa các hư hỏng.

Tuy nhiên, do kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 40%, nên việc bố trí kinh phí cho đoạn tuyến nêu trên cũng chỉ đạt mức trung bình của các quốc lộ trên toàn hệ thống. Trong khi đó, vào cuối năm 2020, đoạn tuyến Km110 - Km113+118 Quốc lộ 63 bị ngập sâu, thời gian kéo dài hơn các năm khác do ảnh hưởng của 7 cơn bão kết hợp với triều cường dâng cao, phương tiện gia tăng, nên phát sinh hư hỏng nặng.

Cục Quản lý đường bộ 4 đã có văn bản báo cáo (trước thời điểm ĐBQH có thư chất vấn) đề nghị sửa chữa, khắc phục, đảm bảo giao thông bước 1 với kinh phí dự kiến 3 tỷ đồng. Trong bước 2, đơn vị này xin phép chuẩn bị đầu tư sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai đoạn Km 110 - Km 113+118, bao gồm việc nâng cao độ mặt đường và thảm bê tông nhựa 2 lớp.

Ngày 3/12/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chấp thuận cho phép khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1, đồng thời lập hồ sơ thiết kế, giải pháp khắc phục đảm bảo giao thông bước 2 đoạn qua nội đô TP. Cà Mau.

Trên thực tế, Cục Quản lý đường bộ 4 đã tổ chức triển khai, nhưng trong thời gian chờ thực hiện Dự án bước 2, thì tại đoạn tuyến nêu trên (mới hoàn thành sửa chữa bước 1), do không có lớp phủ mặt bằng bê tông nhựa hay láng nhựa bảo vệ, nên khi có phương tiện lưu thông thì gây bụi, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân chính là do giải pháp xử lý bước 1 chỉ tạm thời để tránh lãng phí khi thực hiện bước 2, bên cạnh đó, đơn vị quản lý, bảo trì đã không kịp thời bảo dưỡng, dẫn đến gây bụi, ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Để khắc phục ngay tình trạng trên, ngày 20/5/2021, Bộ GTVT đã có Quyết định số 889/QĐ-BGTVT giao kế hoạch chi vốn sự nghiệp kinh tế của ngân sách trung ương cho công tác sửa chữa Quốc lộ 63 đoạn qua TP. Cà Mau (Km110 - Km113+100).

“Đến nay, dự án này đã hoàn thành lớp thảm bê tông nhựa mặt đường, giao thông đi lại sạch sẽ, êm thuận. Dự kiến, trong tháng 9/2021 sẽ hoàn thành toàn bộ việc sơn kẻ đường và phối hợp với địa phương trồng hoa, chỉnh trang đô thị”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

 

Nghiêm túc rút kinh nghiệm

Cũng tại Công văn số 9783/BGTVT-VP, Bộ GTVT thừa nhận, để xảy ra sự việc trên là sai sót trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý và triển khai quản lý tại hiện trường, gây ra bức xúc đối với địa phương và dẫn đến phản ánh của ĐBQH.

Đến giữa tháng 9/2021, Bộ GTVT đã nghiêm túctổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của 4 tổ chức, 21 cá nhân.

Cụ thể, đối với cơ quan tham mưu xử lý của Bộ GTVT là Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, mặc dù đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ việc quản lý, bảo trì bước 2 theo quy định, nhưng lại chưa theo dõi sát sao, đặc biệt là trong khâu tham mưu xử lý sớm khi có phản ánh của dư luận, địa phương.

Qua kiểm điểm, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông nhận thức và coi đây là bài học lớn, nghiêm túc rút kinh nghiệm cho tập thể và công chức của Vụ trong công tác tham mưu về chuyên môn sau này. Tập thể Vụ Kết cấu hạ tầng đã tự nhận hình thức nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tuy đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ 4 triển khai công tác đảm bảo giao thông bước 1 kịp thời, nhưng giải pháp kỹ thuật xử lý bước 1 cho hoạt động xử lý sau bão lũ chưa phù hợp đối với đường trong đô thị.

Bên cạnh đó, với tư duy chờ bước 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh, tránh lãng phí ở bước 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không lường trước hết việc hư hỏng phát sinh trong thời gian chờ thực hiện bước 2.

“Qua kiểm điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã coi đây là bài học, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm cho tập thể và công chức của Tổng cục trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”, Công văn số 9783/BGTVT-VP cho biết.

Đối với Cục Quản lý đường bộ 4 - cơ quan đường bộ trực tiếp thực thi bảo trì tại địa phương - đã đề xuất hướng xử lý sau bão lũ bước 1 đối với đoạn tuyến Quốc lộ 63 chưa đạt yêu cầu, thiếu giám sát, kiểm tra khiến mặt đường hư hỏng trở lại; không kiên quyết thực hiện và triển khai giải pháp của cơ quan thẩm quyền được giao xử lý khắc phục bão lũ theo quy định. Qua kiểm điểm, Cục Quản lý đường bộ 4 đã coi đây là bài học xương máu, nghiêm túc rút kinh nghiệm cho tập thể và công chức của Cục trong công tác trực tiếp tổ chức thực thi bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đơn vị tuần kiểm của Cục Quản lý đường bộ 4 cũng được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ khi không kịp thời trong việc phát hiện và báo cáo việc nhà thầu bảo trì sửa chữa chưa đạt yêu cầu để tái hư hỏng.

“Về kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan, Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm điểm, xử lý kỷ luật và trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan. Đến nay, đã thành lập Hội đồng Kỷ luật và xử lý kỷ luật 5 cá nhân kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 16 cá nhân khác nhận hình thức phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin.

Về kiến nghị nên giao địa phương công tác bảo trì quốc lộ, Bộ GTVT cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ; Điều 34, Luật Tổ chức Chính phủ và Điều 9, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, thì hành lang pháp lý của việc phân cấp cho địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Bộ GTVT là có cơ sở và có thể sớm tổ chức triển khai.

“Bộ GTVT sẽ xây dựng ngay thông tư hướng dẫn thực hiện vấn đề này để việc triển khai trên toàn quốc được thống nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng”, lãnh đạo Bộ GTVT cam kết.

Tin liên quan
Tin khác