Sức khỏe doanh nghiệp
Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh: Dấu ấn “niêm yết cửa sau” của Central Capital
Duy Bắc - 08/09/2022 08:06
Cả nhóm cổ đông góp thêm vào Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh trong đợt phát hành riêng lẻ và số tiền huy động dùng vào mua cổ phần các đơn vị khác đều có mối liên quan với bà Trần Thị Dịu Hòa cũng như với Central Capital.

Dấu chân Central Capital

Trong 12 phiên giao dịch từ ngày 12/8 đến 30/8, cổ phiếu KPF của Công ty Hoàng Minh đã tăng 105%, từ 11.050 đồng lên 22.600 đồng/cổ phiếu và đang định giá vùng P/E là 21,15 lần, cao hơn trung bình ngành là 16,91 lần. Hỗ trợ cho đà tăng này là cuối tháng 6/2022, Công ty Hoàng Minh thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 47,27 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 1.081,4 tỷ đồng, với giá 13.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Theo đó, Công ty cổ phần VN Stock dự kiến mua 22,5 triệu cổ phiếu, chiếm 20,81% vốn điều lệ sau phát hành; Công ty cổ phần VN Value dự kiến mua 23,63 triệu cổ phiếu, chiếm 21,86% vốn điều lệ sau phát hành; Lin Yi Hoang mua 1,13 triệu cổ phiếu, chiếm 1,05% vốn điều lệ sau phát hành. Như vậy, 3 nhà đầu tư này sẽ chiếm 43,71% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Theo tìm hiểu, bà Trần Thị Dịu Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Central Capital từng giữ chức Tổng giám đốc VN Value; bà Dương Thuỳ Linh từng giữ chức Tổng giám đốc VN Stock và có thời gian giữ nhiều vị trí trong các công ty liên quan tới Central Capital.

Trong tổng số tiền huy động 614,5 tỷ đồng, Công ty Hoàng Minh dự kiến dùng 369,5 tỷ đồng đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc Dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng và 245 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Tri Việt Hội An từ các cổ đông hiện hữu.

Được biết, bà Trần Thị Dịu Hòa đang là đại diện pháp luật của Tri Việt Hội An. Còn bà Thái Thị Hải Yến là đại diện pháp luật Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng, cũng là đại diện Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (được thành lập năm 2011 và trước đây người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Dịu Hòa).

Như vậy, có thể thấy, cả nhóm cổ đông góp thêm vào Công ty Hoàng Minh trong đợt phát hành riêng lẻ và số tiền huy động dùng vào mua cổ phần các đơn vị khác đều có mối liên quan nhất định đối với bà Trần Thị Dịu Hòa, cũng như với Central Capital.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty Hoàng Minh huy động vốn và mua tài sản liên quan tới Central Capital. Trong năm 2021, công ty này tăng vốn điều lệ từ 180,2 tỷ đồng lên 579,7 tỷ đồng. Trong tổng số tiền huy động 423,44 tỷ đồng, Công ty dùng 294 tỷ đồng góp vốn mua 98% vốn tại Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn (bên bán là nhóm cổ đông liên quan Central Capital); 120 tỷ đồng góp vốn hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Khu phức hợp và nhà ở Phước Lợi và 9,44 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Theo dữ liệu của Báo Đầu tư, hoạt động kinh doanh của Central Capital liên tục gặp khó khăn. Trong đó, năm 2020 ghi nhận lỗ 27,9 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận lỗ 30,4 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tính tới ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu lên tới 2,67 lần.

Theo quy định niêm yết trên HoSE, doanh nghiệp phải có 2 năm kinh doanh gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế tới thời điểm đăng ký niêm yết. Như vậy, nếu thực hiện niêm yết trực tiếp, Central Capital khó lòng đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết.

Tuy nhiên, bằng việc góp vốn, sau đó dùng vốn huy động mua các tài sản liên quan, Central Capital có thể gián tiếp đưa các tài sản của mình niêm yết trên sàn thông qua pháp nhân là Công ty Hoàng Minh (đã niêm yết tháng 3/2016). Đây là đặc điểm tương đồng với khái niêm yết niêm cửa sau (Backdoor Listing).

Tài sản Công ty Hoàng Minh chủ yếu liên quan tới Central Capital

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty Hoàng Minh đang cho Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu vay 95,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm vay 91,9 tỷ đồng, Công ty TNHH New World Capital vay 26,4 tỷ đồng và Công ty TNHH The Alcove Library Hotel vay 10,3 tỷ đồng.

Với việc niêm yết “cửa sau”, rủi ro lớn nhất là việc hòa nhập văn hóa công ty, cũng như áp lực pha loãng sau khi nhóm cổ đông mới tăng sở hữu và đưa các tài sản vào công ty đang niêm yết vào Công ty Hoàng Minh.

Đối với góp vốn, Công ty góp 144 tỷ đồng vào Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn; 66 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Đối với đầu tư ngắn hạn, Công ty đang đầu tư 94,38 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu và 72,98 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son.

Đối với phải thu khách hàng, chủ yếu là 152,64 tỷ đồng Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Sakiland (chuyển nhượng 48% vốn tại Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn).

Theo tìm hiểu, hầu hết các công ty mà Công ty Hoàng Minh cho vay, đầu tư, hoặc bán tài sản đều có mối liên hệ nhất định đối với Central Capital. 

Như vậy, với việc tăng vốn nhanh chóng từ nguồn vốn của nhóm cổ đông liên quan Central Capital, Công ty Hoàng Minh cũng ngay lập tức đầu tư, cho vay, góp vốn lại các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tới Central Capital để đẩy nhanh quá trình tăng quy mô tài sản.

Quay trở lại với việc niêm yết “cửa sau”, rủi ro lớn nhất là việc hòa nhập văn hóa công ty, cũng như áp lực pha loãng sau khi nhóm cổ đông mới tăng sở hữu và đưa các tài sản vào công ty đang niêm yết vào Công ty Hoàng Minh. Trong đó, việc định giá tài sản như giá trị Công ty cổ phần TTC Deluxe Sài Gòn, Công ty cổ phần Tri Việt Hội An, 199 căn hộ du lịch thuộc Dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng… là khó đối với nhà đầu tư bên ngoài, chủ yếu do thương lượng, thoả thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, thực tế, Ban lãnh đạo hiện tại của Công ty Hoàng Minh đang có liên hệ nhất định với Central Capital gồm ông Vũ Ngọc Hoàng, bà Lâm Thị Mỹ Hà, bà Đinh Kim Nhung, bà Phạm Nguyễn Thoa và ông Nguyễn Tuấn Anh.

Có thể thấy, bên bán và bên mua đều liên quan tới Central Capital, điều này sẽ dẫn tới giá trị giao dịch do nhóm Central Capital quyết định hơn là định giá theo giá thị trường.

Tin liên quan
Tin khác