Rắn mất đầu
Ông Nguyễn Đức Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Địa ôcốc Đà Lạt) cho biết, do HĐQT tồn tại nhiều bất đồng, nên đã gần hết tháng 9, mà vẫn chưa thông qua được kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017 để trình Đại hội cổ đông thường niên thông qua.
“Vì lẽ đó, Ban điều hành Địa ốc Đà Lạt hoàn toàn mất định hướng trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh”, ông Bảo nói và cho biết hoạt động tài chính hoàn toàn tê liệt. Các khoản nợ như nợ quá hạn, nợ xấu, nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ nhà cung cấp… đang bủa vây Địa ốc Đà Lạt và đều không có phương án xử lý.
Nhóm cổ đông lớn biểu quyết thông qua Nghị quyết trong ĐHCĐ bất thường của Địa ốc Đà Lạt. Ảnh: Ngọc Tuấn |
“Do hoạt động gần như tê liệt, năm 2017, Địa ốc Đà Lạt không có bất kỳ khoản doanh thu nào nên nguồn tài chính thiếu hụt nghiêm trọng. Bi đát hơn là áp lực tài chính càng tăng cao, khi Tổng giám đốc quyết định cho thôi việc số lượng lớn người lao động và Địa ốc Đà Lạt phải chuẩn bị nguồn tài chính không nhỏ giải quyết chế độ theo quy định”, ông Bảo nói thêm.
Dự án Khu dân cư Đồi An Tôn (TP. Đà Lạt) - dự án mang tính chất sống còn của Địa ốc Đà Lạt, nhưng đang bị “trùm mền” do chưa có cơ chế, chủ trương và giải pháp cụ thể để thực hiện đầu tư.
Sau những biến cố trước đây, hàng loạt nhân sự chủ chốt nghỉ việc khiến Địa ốc Đà Lạt phải chịu lỗ hổng lớn về quản trị. Trong số nhân sự chủ chốt đó có 2 người đứng đầu các công ty thành viên là Công ty TNHH MTV Xây dựng Địa ốc Đà Lạt và Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc đã chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng đến nay HĐQT vẫn chưa có chủ trương bố trí nhân sự thay thế. Đặc biệt hơn, sau khi đơn từ nhiệm của Phó tổng giám đốc Võ Thuận Hòa được HĐQT chấp thuận, người phụ trách tài chính và thay mặt Ban điều hành giải quyết công việc hàng ngày của Công ty không đến nhiệm sở thực hiện thủ tục bàn giao công việc.
Ông Nguyễn Việt Quốc, thư ký HĐQT cho biết thêm, đầu tháng 9 vừa qua, bà Lê Thị Kim Chính, Tổng giám đốc đã chỉ đạo bàn giao con dấu của Địa ốc Đà Lạt cho nhân sự lạ mặt mang ra khỏi trụ sở Công ty. Mới đây, bà Chính đề nghị triệu tập họp HĐQT vào ngày 15/9/2017, nhưng ông Quốc với chức danh Thư ký HĐQT không đồng ý vì thời gian đề nghị tổ chức vi phạm quy định Điều lệ Công ty.
“Dù là người lãnh đạo cao nhất Ban điều hành, nhưng bà Chính thường xuyên vắng mặt, không sâu sát với tình hình thực tế. Việc bàn giao con dấu sai quy định pháp luật và hiện con dấu đang được bà Chính tiêm chiếm dẫn tới hoạt động của Địa ốc Đà Lạt ngưng trệ”, ông Quốc nói.
Nóng cuộc chiến tranh quyền kiểm soát
Có thể nhận định, khó khăn mà Địa ốc Đà Lạt gặp phải có nguồn cơn từ mâu thuẫn không thể dung hoà giữa hai nhóm cổ đông lớn và tới nay, theo những thông tin của phóng viên Báo Đầu tư có được, thì hố sâu khác biệt quan điểm giữa các bên đang tiếp tục được khơi rộng. Mâu thuẫn của Địa ốc Đà Lạt đang trở thành câu chuyện ồn ã, chưa từng có tiền lệ trong giới công ty niêm yết.
Đó là câu chuyện nhóm cổ đông chiếm cổ phần chi phối không thể nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp, trong khi nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ ít hơn lại chiếm quyền điều hành và luôn tìm cách “hoãn binh” đại hội cổ đông bất thường lẫn thường niên, bất chấp thời hạn đại hội đã vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ Công ty.
Trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Địa ốc Đà Lạt, nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu 55,77% cổ phiếu đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 16/9/2017 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Quang Trung, một cổ đông lớn, Chủ tọa Đại hội cho biết, sau khi kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên bất thành vào ngày 5/8/2017 và bị hoãn vô thời hạn, nhóm cổ đông đại diện 55,33% vốn điều lệ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường với thành phần tham dự là tất cả các cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 11/7/2017. Nhóm này yêu cầu Trưởng ban Kiểm soát, đại diện nhóm cổ đông gửi thư mời cho các cổ đông tham dự Đại hội. “Theo khoản 5, Điều 136, Luật Doanh nghiệp thì Trưởng ban Kiểm soát đã gửi Thư mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2017”, ông Trung nói.
Tại Đại hội bất thường nói trên, cổ đông Địa ốc Đà Lạt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 01/2017/NQ - ĐHCĐ - BT, với nội dung bãi nhiệm chức danh thành viên HĐQT, thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT và thôi nhiệm vụ người đại diện theo pháp luật đối với ông Trịnh Ngọc Thanh và bầu ông Nguyễn Hồ Hưng làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2018, đồng thời, ông Hưng tạm thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật thứ nhất cho đến khi HĐQT tổ chức phiên họp gần nhất để chính thức thông qua chức danh Chủ tịch HĐQT.
Nghị quyết 01 cũng quyết nghị không đồng ý chức danh Tổng giám đốc đối với bà Lê Thị Kim Chính đã được HĐQT bổ nhiệm tại nghị quyết gây tai tiếng trước đó - Nghị quyết số 10/2016/NQ/HĐQT-DLR ngày 7/11/2016. Cũng thông qua ĐHĐCĐ bất thường, nhóm cổ đông lớn đã bầu ông Nguyễn Đức Bảo giữ chức Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật thứ 2 cho Địa ốc Đà Lạt.
Lý giải nguyên do cổ đông bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Trịnh Ngọc Thanh, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, trong quá trình điều hành Địa ốc Đà Lạt, ông Thanh để xảy ra nhiều sai phạm. Có thể kể ra như triệu tập họp ĐHCĐ ngày 5/8/2017 sai quy định; hủy bỏ, hoãn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ không đúng quy định của pháp luật; Hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vô thời hạn là vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông và hoạt động của doanh nghiệp... Đặc biệt, ông Thanh chủ ý tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần để nhằm nắm quyền chi phối trái với quy định của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016.
Ông Trung dẫn Văn bản số 2567/UBCK-TT của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 16/5/2016 về việc xử phạt ông Trịnh Ngọc Thanh vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, ông Thanh bị phạt 125 triệu đồng và “buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm…” và “phải chuyển nhượng số cổ phần đó (số cổ phần ông Thanh có được khi mua mà không chào mua công khai) để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 25% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt trong thời hạn tối đa 6 tháng”.
Ông Trung cho biết, nhóm cổ đông đang lập vi bằng để có cơ sở pháp lý làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng để đăng ký lại người đại diện pháp luật và tiến hành đăng ký con dấu mới cho Công ty. “Chúng tôi đang nỗ lực đưa Địa ốc Đà Lạt thoát khỏi bờ vực phá sản”, ông Trung nói.
Trước bước đi mới của nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, nhóm cổ đông nhỏ hơn đang nắm quyền điều hành và con dấu của Địa ốc Đà Lạt lập tức có động thái đối phó, khi ngay trong ngày 18/9/2017, bà Lê Thị Kim Chính (dưới danh nghĩa Tổng giám đốc) đã ký Tờ trình số 119/TTr - DLR miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc và Thư ký HĐQT đối với các ông Nguyễn Đức Bảo và ông Nguyễn Việt Quốc. Ngay sau đó, tờ trình này được ông Trịnh Ngọc Thanh (dưới danh nghĩa Chủ tịch HĐQT) phê chuẩn và cho phát hành phiếu lấy ý kiến gửi tới các thành viên HĐQT.
Đầu tuần này, ông Nguyễn Đức Bảo đã có đơn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc.
“Cuộc chiến” giành quyền kiểm soát giửa các nhóm cổ đông đang nóng lên từng ngày, trong khi, sản xuất, kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt tiếp tục… nguội đi từng giờ!
Với 2 HĐQT và 2 ban điều hành, Địa ốc Đà lạt đang viết tiếp câu chuyện rất hy hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam - câu chuyện mà các cổ đông đang trông ngóng sẽ sớm kết thúc.