Theo lãnh đạo PNJ, đặc thù ngành hàng nữ trang không giống các hàng tồn bán lẻ khác, vì giá trị hàng tồn kho không bị mất giá, nên nếu Công ty tiếp tục mở mới cửa hàng, thì hàng tồn kho có thể vẫn còn tăng. |
Đầu tư thêm cho PNJP
Theo định hướng chiến lược năm 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà PNJ (mã PNJ, sàn HoSE) đặt ra là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và máy móc, thiết bị cho Công ty TNHH một thành viên Chế tác kinh doanh trang sức PNJ (PNJP - Nhà máy số 2). Với động thái đầu tư này cùng một số mục tiêu trọng tâm khác, PNJ đang nuôi một số tham vọng trong năm 2020.
Cụ thể, năm 2020, PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần đạt khoảng 12%, với giá trị tuyệt đối hơn 19.000 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 15%, đạt 3.991 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 13%, đạt 1.349 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty sẽ cân đối hài hòa giữa tăng trưởng trong ngắn hạn với việc nhấn nút tái cơ cấu để chuẩn bị các nền tảng mới cho phát triển bền vững.
Kết quả kinh doanh sau 4 tháng đầu năm của PNJ cho thấy, doanh thu và lợi nhuận đều không đạt như kỳ vọng. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 5.502 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 34% so với cùng kỳ, đạt 320 tỷ đồng.
Sự sụt giảm kinh doanh 4 tháng có phần đến từ lý do khách quan, do tháng 4/2020 là thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. Riêng trong tháng này, các chỉ tiêu kinh doanh của PNJ đều sụt giảm mạnh nhất, doanh thu thuần chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế âm 89 tỷ đồng, giảm 268% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyển dịch cơ cấu hàng tồn
Cùng với động thái đầu tư vào PNJP, cơ cấu hàng tồn kho của PNJ có sự chuyển dịch đáng chú ý. Trong cơ cấu tài sản tính đến ngày 31/3/2020, hàng tồn kho tuy giảm nhẹ so với đầu năm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất cao. Giá trị tuyệt đối hàng tồn kho cuối tháng 3/2020 là 6.588,7 tỷ đồng, chiếm 78% giá trị tổng tài sản và lớn gấp 7 lần tài sản cố định của Công ty.
Trong cơ cấu hàng tồn kho, hàng tồn kho là thành phẩm có diễn biến tăng vọt chỉ trong một quý đầu năm, từ 321,6 tỷ đồng tại thời điểm ngày 1/1/2020 lên hơn 3.928,6 tỷ đồng, tức tăng gấp 12 lần. Trong khi đó, hàng tồn kho là hàng hóa có diễn biến ngược lại, giảm từ 5.934,5 tỷ đồng xuống 2.136,3 tỷ đồng. Sự chuyển dịch này cho thấy, PNJ vẫn đang muốn gia tăng sự can thiệp của doanh nghiệp vào khâu sản xuất và giảm dần hoạt động kinh doanh thương mại đơn thuần.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết, Công ty đặt trọng tâm kinh doanh là trang sức. PNJ cũng vừa thực hiện việc tối ưu hóa hàng tồn kho và đánh giá hiệu quả hàng tồn kho thông qua việc luân chuyển hàng hóa.
Theo lãnh đạo PNJ, đặc thù ngành hàng nữ trang không giống các hàng tồn bán lẻ khác, vì giá trị hàng tồn kho không bị mất giá, nên nếu Công ty tiếp tục mở mới cửa hàng, thì hàng tồn kho có thể vẫn còn tăng.
Định hướng của Công ty trong việc gia tăng khâu sản xuất không nằm ngoài mục tiêu tăng hiệu quả cao hơn, nhưng kỳ vọng không phải lúc nào cũng đi liền với kết quả. Theo đó, thời kỳ dịch bệnh cũng là giai đoạn mà công ty này phải dự phòng cho tính thanh khoản và phải chấp nhận lãi suất tiền vay tăng để tăng thanh khoản cho kinh doanh.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 cũng cho thấy, chi phí lãi vay có xu hướng tăng mạnh lên mức 40,4 tỷ đồng, so với mức chỉ hơn 20 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Một phần hàng tồn kho có giá trị gần 1.900 tỷ đồng cũng đang được Công ty sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tài chính.
Ngoài ra, thông tin về cơ cấu vàng miếng và trang sức cũng không được thể hiện rõ ràng, bởi dù được trải qua giai đoạn chế tác và dập thương hiệu PNJ, nhưng giá trị gia tăng trong vàng miếng không thực sự cao so với trang sức.
Trong bản tin kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm, PNJ cũng hé lộ thông tin là, biên lợi nhuận gộp trong tháng 4/2020 giảm mạnh từ mức 24,6% của cùng kỳ xuống còn 8,4%. Một trong những nguyên nhân của việc suy giảm này đến từ sự tăng tỷ trọng đóng góp của kinh doanh vàng miếng (38% so với 14% của tháng 4/2019).