Sức khỏe doanh nghiệp
Công ty của ông Lê Phước Vũ đã bán toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu HSG?
Duy Bắc - 26/06/2022 06:41
Ngày 24/6, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) xuất hiện các giao dịch thỏa thuận đột biến với khối lượng lớn.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu HSG có 5 giao dịch thỏa thuận giá sàn. Trong đó, một lệnh 9 triệu cổ phiếu; một lệnh 5 triệu cổ phiếu; một lệnh hơn 2,6 triệu cổ phiếu; một lệnh hơn 0,6 triệu cổ phiếu; và một lệnh 0,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng cộng 5 lệnh đã có 17.749.301 cổ phiếu HSG được trao tay với giá sàn 14.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 250,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu HSG xuất hiện 5 giao dịch thỏa thuận đột biến phiên ngày 24/6.

Điểm đáng lưu ý, trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - công ty của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen đăng ký bán toàn bộ 17.749.301 cổ phiếu HSG, tương ứng 3,6% vốn điều lệ để giảm sở hữu về 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/6 đến 22/7.

Như vậy, lượng giao dịch thỏa thuận ngày 24/6 tương ứng với khối lượng mà Công ty của ông Lê Phước Vũ đăng ký bán, giới đầu tư đang dự đoán Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã thoái xong toàn bộ cổ phiếu HSG bằng phước thức giao dịch thỏa thuận, đơn vị mua vào vẫn chưa được công bố.

Bối cảnh thoái vốn của Công ty Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, cổ phiếu HSG liên tục bị bán tháo do lo ngại chu kỳ ngành thép qua đi và doanh nghiệp đã qua giai đoạn tăng trưởng, có thể bước vào giai đoạn bão hòa và giảm trở lại. Cụ thể, từ 7/3 đến 24/6/2022, cổ phiếu HSG giảm 62,5% từ 42.450 đồng về 15.900 đồng/cổ phiếu và thuộc cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HOSE.

Cổ phiếu HSG lao dốc từ giữa tháng 10/2021 tới nay (Nguồn: FireAnt).

Nếu nhìn rộng ra từ đỉnh ngày 15/10/2021 đến 24/6/2022, cổ phiếu HSG đã “bốc hơi” 68% giá trị từ 49.750 đồng về chỉ còn 15.900 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Công ty sẽ kéo dài thời gian nộp tiền mua cổ phiếu ESOP theo lịch cũ từ 3/6 đến hết ngày 20/6 sang lịch mới từ 3/6 đến 30/6, tức thêm 10 ngày. Được biết, HSG dự kiến phát hành 4.934.800 cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 1% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Được biết, theo dữ liệu của SSI Research tới ngày 24/6, định giá cổ phiếu HSG với P/E là 2,22 lần và P/B là 0,68 lần. Trong khi đó, đỉnh điểm định giá cổ phiếu HSG trong quý II/2021 với P/E là 6,07 lần và P/B là 2,38 lần. Như vậy, cổ phiếu HSG đã hạ định giá tương đối lớn sau gần 1 năm.

Định giá P/E của cổ phiếu HSG có thể lên tới 25 lần, cao hơn nhiều mức hiện tại 2,22 lần

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, Ông ông Lê Phước Vũ cho biết, Công ty đang có bước ngoặt chiến lược để thay đổi chiến lược. Trong đó, hình thành hệ thống Hoa Sen Hose trong 5 - 10 năm tới, nếu triển khai tốt hệ thống sẽ đóng góp tốt vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Trong đầu tư của xã hội, đầu tư vào nhà ở là một số tiền lớn. Hệ thống Hoa Sen Hose cung cấp toàn bộ hệ thống cho việc này, vì vậy doanh số 1 - 5 tỷ USD là chuyện bình thường.

Hệ thống Hoa Sen Hose sẽ là bước ngoặt lớn cho Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn không tập trung vào sản xuất, hiện Công ty đang vị trí top đầu ngành tôn mạ ở Đông Nam Á và đứng vị trí top ở khu vực châu Á.

Với ngành Tôn đứng đầu, ống thép đứng thứ 2 và ống Nhựa đứng thứ 3, nhưng Công ty không đầu tư vào sản xuất nữa, tập trung nguồn lực vào cái nào tạo ra giá trị lớn nhất, tiềm năng nhất… Khi phát triển hệ thống phân phối, doanh số từ hệ thống phân phối có thể đóng góp từ 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

Về vấn đề tại sao Hoa Sen không sản xuất, ông Vũ cho biết, là do Công ty hướng tới mảng đang có lợi thế, hệ thống phân phối có hơn 600 cửa hàng trên cả nước, có dữ liệu khách hàng, có năng lực cạnh tranh…

Tóm lại, Công ty có hệ thống phân phối, nguồn lực tài chính, có khách hàng, có thương hiệu… để có thể phát triển Hoa Sen Home thành hệ thống phân phối số 1 tại Việt Nam, trong đó, chủ yếu nâng cấp năng lực, công nghệ…

"Sẽ không sản xuất, tài sản không cần thiết sẽ thực hiện bán hết để lấy tiền mặt, không sản xuất và tập trung phát triển Hoa Sen Home. Công ty không chia lợi nhuận, tập trung nguồn lực để phát triển cho tập đoàn, nếu chia hết lợi nhuận khi gặp khó khăn Công ty sẽ chịu áp lực lớn", ông Vũ chia sẻ.

Đồng thời, ông Vũ cho biết thêm: Khi thành công với chuỗi Hoa Sen Home, P/E của hệ thống phân phối sẽ là 25 lần, không còn 4 - 5 lần như hiện nay khi công ty hoạt động trong lĩnh vực thép. Nếu điều hành tốt, cổ phiếu Hoa Sen sẽ gấp nhiều lần so với Hoa Sen ở thời điểm hiện tại.

Hoa Sen bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong quý II niên độ tài chính 2021-2022

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II (1/1 đến 31/3/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 12.661,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 234,07 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,7% và giảm 77,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,4% về chỉ còn 11,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 24,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 460,3 tỷ đồng về 1.430 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 18,7%, tương ứng tăng thêm 12,32 tỷ đồng lên 78,33 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 7,5%, tương ứng tăng thêm 8,94 tỷ đồng lên 128,02 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 52,8%, tương ứng tăng thêm 378,73 tỷ đồng lên 1.095,96 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù doanh thu vẫn tăng nhưng giá vốn tăng cao dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, ngoài ra, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý cũng tăng cao trong kỳ dẫn tới lợi nhuận giảm 77,4%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 29.594,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 872,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 48,4% và giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Hoa Sen mới hoàn thành 34,9% kế hoạch lợi nhuận năm với kịch bản lợi nhuận 2.500 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu HSG tăng 750 đồng lên 15.900 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác