Ngân hàng - Bảo hiểm
Công ty tài chính áp đảo trong cho vay tiêu dùng
Hà Nguyễn - 15/01/2016 14:44
Việc các công ty tài chính tham gia sâu rộng vào lĩnh vực tiêu dùng cá nhân khiến cho vai trò của các ngân hàng thương mại dường như “mờ nhạt” hơn bởi các thủ tục và yêu cầu khắt khe theo quy định của ngân hàng đối với các khoản cho vay tiêu dùng.
Các công ty tài chính đã nhanh chân hơn ngân hàng trong việc tiếp cận thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân

Chị Nguyễn Mai Phương, 23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, việc vay tín chấp một vài chục triệu đồng tại ngân hàng tuy không khó, nhưng phải mất rất nhiều thời gian chờ xét duyệt cũng như phải ký kết hàng loạt giấy tờ mà chính bản thân chị là người đi vay cũng không biết là giấy tờ gì, thì nay, với sự hỗ trợ của các công ty tài chính, chị đã có thể dễ dàng tiếp cận tới những khoản vay, thậm chí là chị có thể vay bất cứ khi nào bản thân chị có nhu cầu tiêu dùng.

Theo PGS-TS. Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Thương mại Hà Nội), nguyên nhân khiến các công ty tài chính phát triển nở rộ và thống lĩnh thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay là bởi xuất phát từ tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với các ngân hàng thương mại. Một điều dễ nhận thấy, sau thời gian ồ ạt mở thẻ visa, chạy đua về số lượng mà không chú trọng đến chất lượng dịch vụ và cạnh tranh, giờ đây, các ngân hàng đang phải đối mặt và tốn chi phí giải quyết tình trạng hàng loạt thẻ được mở ra, nhưng không hoạt động.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank thừa nhận, hiện Techcombank cũng như các ngân hàng thương mại khác đang tồn tại rất nhiều “thẻ ngủ” (thẻ không có giao dịch – PV). Nguyên nhân là do các ngân hàng ép chỉ tiêu mở thẻ cho nhân viên kinh doanh, chỉ cần có khách hàng mở thẻ, mà không quan tâm khách hàng có sử dụng hay không.

Mặc dù vậy, ông Đỗ Tuấn Anh cũng cho rằng, việc các khách hàng mở thẻ coi như ngân hàng cũng đã đặt được một chân vào nhà khách hàng. “Việc các ngân hàng áp chỉ tiêu kinh doanh về số lượng thẻ, xét về mặt nào đó, là không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ngân hàng đã thò được một chân vào nhà khách hàng. Còn việc tiếp theo là tùy thuộc vào từng ngân hàng có dịch vụ chăm sóc khách hàng ra sao”, ông Đỗ Tuấn Anh nói.

Chưa biết công việc tiếp theo của các ngân hàng sẽ như thế nào, nhưng hiện nay, theo PGS - TS. Lê Thị Kim Nhung, các công ty tài chính đã nhanh chân hơn trong tiếp cận thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân với hàng loạt gói sản phẩm ưu đãi linh hoạt. Điều này đã góp phần đánh thức một thị trường tiêu dùng vốn có sức cầu yếu trong nền kinh tế.

Nhận định về thành công bước đầu của các công ty tài chính tiêu dùng, bà Nhung cho rằng, chính thói quen tiêu dùng của người dân đã đem lại cơ hội cho các công ty tài chính. Việc đem lại các sản phẩm gần gũi, thiết thực hơn và tất nhiên quy mô cũng nhỏ hơn đã giúp các công ty tài chính trở nên linh hoạt hơn trong việc tiếp cận thị trường.

Liên quan đến việc đào tạo kiến thức về tài chính tiêu dùng tại các cơ sở giáo dục, bà Nhung cho biết, tại Đại học Thương mại Hà Nội, việc trang bị cho sinh viên kiến thức về tài chính tiêu dùng đã và đang được nhà trường chú trọng nhiều hơn trong một vài năm gần đây. Tuy chưa thành lập bộ môn Tài chính tiêu dùng, nhưng những vấn đề về tài chính tiêu dùng cũng đã được lồng ghép trong công tác đào tạo quản trị các nhà làm thương mại.

Còn theo PGS - TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), sinh viên tại trường được học về bộ môn quản trị tài chính cá nhân. Thời gian tới, nhà trường cũng sẽ tiếp tục thành lập bộ môn chuyên biệt về tài chính cá nhân.

Tin liên quan
Tin khác