Sản xuất tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung. |
Thần tốc đấu giá 7 triệu tấn quặng
Trên website chính thức của VTM trong mục Cung cấp dịch vụ ngày 30/3/2020 có đăng thư mời công khai việc cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản của doanh nghiệp. Theo đó, tài sản này là lô quặng deluvi nguyên khai, số lượng khoảng 4,969 triệu tấn và lô quặng limonit, số lượng khoảng 2 triệu tấn (dự kiến chia làm 3 lô) cần bán.
Trước đó 10 ngày, Tổng giám đốc VTM đã có tờ trình gửi HĐTV của VTM đề xuất bán số quặng này. Lý do được đưa ra là ảnh hưởng của Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của VTM thiếu nguồn vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được...
Cũng tính đến hết năm 2019, VTM còn nợ hơn 946 tỷ đồng tiền thuế, phí. Năm 2020, đơn vị này dự kiến phải nộp lũy kế phát sinh là 1.479 tỷ đồng.
Với thực tế này, việc bán sản phẩm hay bất cứ thành quả nào mà doanh nghiệp làm ra nhằm đảm bảo duy trì dòng tiền, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tránh thua lỗ không có gì đáng ngạc nhiên tại doanh nghiệp, nhất là với VTM - khi đang rất nỗ lực để thoát khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ.
Nút thắt của câu chuyện chỉ nằm ở chỗ VTM đã đẩy rất nhanh tiến trình bán số quặng nói trên mà giá trị tổng cộng lên tới trên 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 30/3/2020, VTM đã tiến hành mời thầu công khai việc cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản của doanh nghiệp với yêu cầu, “hồ sơ chào cung cấp dịch vụ đấu giá gửi về trụ sở Công ty VTM chậm nhất là 15h00 ngày 2/4/2020”.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng, ngày 4/4/2020, Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia đã ra Thông báo đấu giá tài sản với lô quặng deluvi nguyên khai có khối lượng 4,969 triệu tấn và 2 lô quặng limonit với tổng khối lượng 1,8 triệu tấn.
Tiếp đó, vào ngày 21/4/2020, Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia đã tổ chức đấu giá lô quặng deluvi nguyên khai với số lượng hơn 4,9 triệu tấn với chỉ có 2 đơn vị tham gia là Công ty TNHH Tiến Đại Phát và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát. Kết quả, Công ty TNHH Tiến Đại Phát (địa chỉ tại Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành đơn vị trúng đấu giá toàn bộ lô quặng trên với mức 653 tỷ đồng.
Với lô quặng limonit 800.000 tấn mang ra đấu giá, cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia là Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Xuất nhập khẩu Việt Phát đến từ Hải Phòng và Doanh nghiệp tư nhân Hải Linh đến từ Hải Dương. Kết quả, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã trúng giá với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng.
Lô quặng limonit còn lại cũng chỉ có 2 gương mặt tham gia đấu giá và đơn vị trúng là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với 546 tỷ đồng.
Sẽ đấu giá lại
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - đơn vị hiện nắm 47% vốn điều lệ của VTM cho hay, VNSteel mới đồng ý về chủ trương nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án cụ thể.
Các bên Việt Nam trong liên doanh này ngoài VNSteel còn có Công ty Khoáng sản Lào Cai, nắm tổng cộng gần 55% vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Được biết, vào ngày 6/4/2020, HĐQT của VNSteel cũng có văn bản gửi Tổng giám đốc VTM và người đại diện vốn của VNSteel tại VTM, yêu cầu nhiều nội dung liên quan tới chủ trương và phương án tiêu thụ quặng sắt năm 2020 của VTM. Theo đó, ngoài việc khối lượng tiêu thụ tổng thể cần tuân theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 1468/2017/QĐ-TTg và văn bản 1487/BCT-CN (ngày 4/3/2020) của Bộ Công thương và các quy định liên quan về công tác quản lý khoáng sản, VTM phải tính toán khối lượng phù hợp cho từng lần giao dịch để tối ưu hiệu quả, dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đối với khách hàng, VNSteel cũng yêu cầu ưu tiên các khách hàng sử dụng quặng trực tiếp cho sản xuất, chế biến.
Song các thông báo đấu giá tài sản mà Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia phát ra vào ngày 4/4/2020 đều không có bất cứ lưu ý gì về các yêu cầu này. Sau khi nhận được các yêu cầu của công ty mẹ, VTM và Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia đều thiếu bổ sung điều kiện tham gia đấu thầu theo tinh thần mà VNSteel chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc VTM cho hay, cuộc họp HĐTV của VTM ngày 27/4/2020 đã đi đến quyết định xem xét lại cơ sở pháp lý và nhận thấy cuộc đấu giá này là không thành công. Sắp tới doanh nghiệp phải làm lại quy trình này và sẽ tiến hành đấu giá lại.
“Tôi mới nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc khoảng 2 tháng, doanh nghiệp cũng khó khăn và rất mong muốn giải quyết cho doanh nghiệp có dòng tiền đóng vào ngân sách nhà nước”, ông Dũng nói.