Ông có thể cho biết vì sao, VWS gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ?
VWS được đầu tư bởi Công ty California Waste Solutions, do gia đình người Mỹ gốc Việt chúng tôi làm chủ tại Hoa Kỳ, đã hoạt động trên 30 năm trong lĩnh vực thu gom và xử lý tái chế rác cho nhiều thành phố ở bang California.
Ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc VWS. |
Hưởng ứng lời kêu gọi và những chính sách ưu đãi dành cho Việt kiều về đầu tư, góp phần xây dựng quê hương của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác - lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong quá trình thực hiện, dù nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều bộ, ngành và cơ quan chức năng, nhưng Công ty vẫn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chúng tôi gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ ngân sách nhà nước cho VWS; đơn giá xử lý rác được tính bằng ngoại tệ và việc VWS liên tiếp bị thanh tra trong thời gian ngắn…
Dư luận từng đặt nhiều câu hỏi về “khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ ngân sách” sau khi VWS triển khai đầu tư, ông có thể giải thích rõ hơn về chi phí này?
Ngày 5/1/2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra tại VWS nhằm làm rõ khoản tiền trả trước 9 triệu USD từ ngân sách nhà nước và đơn giá xử lý rác theo quy định ngoại hối của hợp đồng.
Trong quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra, VWS đã giải thích rõ: Hợp đồng Giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa đại diện của UBND TP.HCM (là Sở Tài nguyên và Môi trường) và Công ty VWS đã được ký kết ngày 28/2/2006, sau hơn 18 tháng làm việc, đàm phán công khai và công bằng để chọn công nghệ, giá thành xử lý, khối lượng xử lý, thời gian thực hiện hợp đồng và đi đến thỏa thuận giữa VWS với Tổ đàm phán, gồm nhiều sở, ngành chức năng của TP.HCM.
Các điều khoản và điều kiện của Hợp đồng đã được soạn thảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các luật liên quan khác của Nhà nước Việt Nam. Trước đó, VWS đã được cấp giấy phép đầu tư vào năm 2005, trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý môi trường.
Công ty VWS là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý môi trường |
Khoản tiền trả trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác (tính theo tấn) từ ban đầu, để đi đến giá thỏa thuận từ 17,77 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/ tấn. Đây cũng là số tiền mà ngân hàng tài trợ cho Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước yêu cầu TP.HCM phải trả trước cho VWS để đầu tư hạ tầng. Bởi theo yêu cầu của ngân hàng tài trợ, khu vực xây dựng Dự án này là một vùng đầm lầy, xung quanh bao bọc sông rạch, sẽ tốn kém rất nhiều chi phí cho việc xây dựng hạ tầng. Khoản tiền trả trước này còn được xem như lời cam kết của UBND TP.HCM đối với nhà đầu tư.
Việc tính giá xử lý bằng USD thay vì bằng tiền đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng là “tâm điểm” quan tâm của dư luận và truyền thông, ông lý giải vấn đề này như thế nào?
Pháp lệnh Ngoại hối (số 28/2005/PL-UBTVQH11) có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (số 06/2013/PL-UBTVQH13) có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đều có hiệu lực sau ngày ký Hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn giữa UBND TP.HCM và VWS (Hợp đồng). Như vậy, việc ghi giá bằng tiền USD trong Hợp đồng không chịu sự điều chỉnh của hai pháp lệnh nói trên (theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Ngoài ra, hai pháp lệnh nói trên đều không quy định các hợp đồng ký kết trước ngày 1/6/2006 hoặc 11/1/2004 phải điều chỉnh lại đơn giá thành tiền đồng Việt Nam, nếu hợp đồng đã được thỏa thuận giá bằng ngoại tệ, tạm hiểu là không hồi tố. Như vậy, đơn giá ghi bằng ngoại tệ trong hợp đồng giữa UBND TP.HCM và VWS không thuộc đối tượng bắt buộc phải điều chỉnh.
Việc VWS liên tục bị thanh tra trong thời gian ngắn là điều bất thường theo quan điểm của VWS?
Như tôi đã trao đổi, dù đã giải thích và làm việc cụ thể với Đoàn Thanh tra của Bộ Tài chính về những nội dung trên, nhưng chúng tôi được biết, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thanh tra nội dung trên theo đơn tố cáo của công dân.
Như vậy, nếu tính cả lần thanh tra sắp diễn ra, VWS phải tiếp 4 đoàn thanh tra trong hơn hai năm qua. Trong thời gian diễn ra thanh tra, đại diện pháp luật của Công ty không được đi ra nước ngoài, các hoạt động của Công ty bị xáo trộn...
Trong khi đó, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp”.
Do vậy, từ góc độ một nhà đầu tư vì quê hương, tôi khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn cho VWS để chúng tôi có thể yên tâm đầu tư và tái đầu tư, thực hiện tốt công việc của mình đối với dự án và quê hương; đồng thời, cho phép đại diện Công ty được tham gia tất cả cuộc họp liên quan đến vấn đề của doanh nghiệp để giải trình cụ thể cho các cấp có thẩm quyền.