Doanh nghiệp
C.P Việt Nam “bắt tay” chiến lược với PAN Group, biến ngành tôm thành mũi nhọn
Anh Hoa - 09/12/2021 14:00
Thỏa thuận chiến lược này giúp hai bên phát triển chuỗi giá trị con tôm, từ con giống đến bàn ăn.

Theo thỏa thuận chiến lược này, C.P Việt Nam cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên của PAN. Đặc biệt, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN; mã: FMC) sẽ hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả nuôi tôm, mở rộng vùng nuôi tôm, đa dạng sản phẩm đầu ra và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, hai bên cũng cam kết hợp tác trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến và các ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Ngoài lĩnh vực thuỷ sản, hai bên cùng hợp tác, hỗ trợ, kết nối đối tác cho nhau trong những lĩnh vực khác mà mỗi bên hoặc đơn vị liên quan của mỗi bên có thế mạnh.

Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, hiện đã có hơn 101 chi nhánh trên toàn quốc và 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Huế và Bến Tre; 5 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước. Năm 2020, C.P. Việt Nam đạt doanh số hơn 80.000 tỷ đồng.

Trước khi chính thức đầu tư vào FMC, 2 công ty này đã là đối tác kinh doanh chiến lược. Mới đây, từ chỗ không nắm giữ cổ phần nào tại FMC, C.P Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% đã mở ra rất nhiều cơ hội khác cho sự hợp tác giữa 2 bên.

Năm 2021, Thực phẩm Sao Ta muốn tăng diện tích nuôi tôm thêm 100ha, muốn tự chủ 25-30% nguyên liệu.

Với doanh thu tăng trưởng trung bình khoảng hơn 8%/năm trong 4 năm qua, FMC luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đông lạnh tại Việt Nam. Công ty cũng khẳng định được vị thế của mình ở các thị trường xuất khẩu, không chỉ với các sản phẩm tôm đông lạnh truyền thống mà còn các sản phẩm nông, thủy sản chế biến.

Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam cho rằng, với kinh nghiệm về con giống và thức ăn chăn nuôi của mình khi kết hợp với FMC sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả 2 doanh nghiệp. Mục tiêu đạt sản lượng nuôi tôm 1,15 triệu tấn từ nay đến năm 2025 của Chính phủ Việt Nam.

“Khi đầu tư CP mong muốn cùng chung tay phát triển FMC trở thành doanh nghiệp đầu ngành và cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới” CEO C.P Việt Nam cho hay.

Trong suốt 20 năm qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, trung bình 5%/năm trong 5 năm vừa qua. 

CP cho rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Và đây vẫn sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của C.P trong tương lai.  

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group, thông qua công ty thành viên FMC hiện sở hữu vùng nuôi đạt chuẩn ASC lớn nhất cả nước, với công nghệ nuôi tiên tiến và sử dụng thành công chế phẩm sinh học (probiotics) trong nuôi tôm chất lượng cao.

Ngoài ra, Sao Ta cũng sở hữu công nghệ chế biến hàng đầu, tạo ra các sản phẩm phối chế ngon về chất lượng, tinh tế về mẫu mã và đã chinh phục được khách hàng ở những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu.

PAN khởi đầu bằng chiến lược mua lại (M&A) các công ty có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đồng thời phát triển hữu cơ các công ty này nhằm gia tăng sức mạnh cộng hưởng từ bên trong.

PAN hiện đang sở hữu những công ty hàng đầu trong hai lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm như CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), CTCP Bibica (BBC), CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre), CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), CTCP Thủy sản 584 Nha Trang, CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), CTCP PAN-HULIC, CTCP Cà phê Golden Beans…

Với tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 38,4% trong giai đoạn 2013 - 2020, từ mức 618 tỷ đồng năm 2013 lên 8.329 tỷ đồng năm 2020, vị thế của tập đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được khẳng định vững chắc. Theo báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3/2021, luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất Tập đoàn đạt 6.401,8 tỷ, LNST đạt 231,8 tỷ, tăng lần lượt 10% và 30% so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan
Tin khác