Nguyên nhân chính khiến CPI năm nay thấp vẫn là do giá xăng dầu giảm liên tục và giữ ở mức thấp, thưa bà?
Đúng vậy. Từ đầu năm 2015 đến tháng 10/2015, giá xăng dầu giảm nhiều đợt, không chỉ giảm giá thành sản xuất của nhiều ngành hàng sử dụng trực tiếp xăng dầu, mà cả các ngành hàng khác. Tính đến giữa tháng 10/2015, theo yêu cầu của liên bộ Tài chính - Giao thông, về cơ bản, các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai giảm giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa phổ biến từ 3-5%.
Tôi cho rằng, thực hiện yêu cầu của liên bộ Tài chính - Giao thông - Vận tải, giá cước vận tải tiếp tục được điều chỉnh giảm sẽ góp phần không nhỏ trong việc kiềm chế CPI trong những tháng trước và sau Tết Nguyên đán - thời điểm CPI thường tăng cao nhất trong năm, góp phần thực hiện mục tiêu giữ CPI năm 2016 dưới 5% như Quốc hội đã đặt ra.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê |
Giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và khó có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tới. Thưa bà, điều này tác động thế nào tới CPI năm 2016?
Giá dầu Brent năm 2015 bình quân khoảng 54,65 USD/thùng, giảm 45,6% so năm 2014 đã kéo giá xăng dầu trong nước giảm 24,76% so với năm 2014, đóng góp giảm CPI chung khoảng 1% (cả trực tiếp lẫn gián tiếp). Hiện tại, giá dầu thế giới đang ở mức rất thấp, tuy nhiên việc dự báo giá xăng dầu ở mức bao nhiêu cho năm 2016 cũng rất khó. Giả sử giá dầu Brent năm 2016 giảm xuống 25 USD/thùng hoặc tăng lên mức 50 USD/thùng so với hiện nay, thì sẽ ảnh hưởng đến CPI xung quanh mức +/-1%.
Ngoài nguyên nhân giá xăng dầu giảm mạnh, còn có nguyên nhân nào khiến lạm phát năm nay thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra là dưới 5%?
Còn có nhiều nguyên nhân khác kéo CPI xuống mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Thứ nhất, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào do sản xuất nông nghiệp được mùa và do chịu sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ.
Thứ hai, giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá chất đốt, sắt thép… nên chỉ số giá nhập khẩu của các mặt hàng này năm 2015 giảm 5,82% so năm 2014.
Thứ ba, giá gas trong nước được điều chỉnh theo giá gas thế giới, bình quân năm 2015 giá gas giảm gần 20% so với năm trước.
Thứ tư, mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước. Năm 2015 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh với mức độ thấp chỉ tác động đến CPI khoảng 0,07%, giá dịch vụ giáo dục tác động đến CPI khoảng 0,12%
Thứ năm, trong 2 năm gần đây, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
Và nguyên nhân cuối cùng phải kể đến là việc các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động.
Thưa bà, với mức lạm phát thấp, nhiều người lo ngại giá điện được điều chỉnh tăng. Nếu giá điện tăng thêm 10 - 15% sẽ tác động thế nào đến CPI trong năm tới?
Ngày 16/3/2015, giá điện tăng thêm 7,5% đã tác động đến CPI khoảng 0,19%. Nhiều khả năng, giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016. Nếu giá điện tăng thêm 10% - 15% sẽ tác động CPI chung khoảng 0,25% - 0,4%.