Giá xăng tăng, giá thịt lợn tăng là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2018 tăng 0,33% so với tháng trước. Đó là nhận định được Tổng cục Thống kê đưa ra sau khi công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2018.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong những ngày đầu tháng 10/2018, giá thịt lợn tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước do người chăn nuôi và doanh nghiệp hạn chế bán ra chờ giá cao hơn, cũng như việc ngừng nhập khẩu thịt lợn nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.
. |
Trước diễn biến giá thịt lợn tăng cao, ngày 9/10/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có buổi trao đổi với 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn chăn nuôi lợn để tìm giải pháp giúp ngành chăn nuôi lợn duy trì được sự ổn định, bền vững. Sau cuộc họp, một số doanh nghiệp đã giảm giá bán thịt lợn. Nhờ vậy, bình quân giá thịt lợn tháng 10/2018 chỉ còn tăng 0,67% so với tháng 9/2018, làm tăng CPI tháng 10/2018 khoảng 0,03%.
Trong khi đó, trong tháng qua, giá xăng dầu đã được điều chỉnh hai lần, tăng vào ngày 6/10 và giảm vào ngày 22/10, khiến bình quân tháng 10/2018 giá xăng dầu tăng 3,45% so với tháng trước và làm tăng CPI chung khoảng 0,14%.
Ngoài hai nguyên nhân này, việc từ ngày 01/10/2018 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 12.000 đồng/bình 12kg, tăng 3,17% so với tháng 9/2018, cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI của cả nước.
Bên cạnh đó, CPI tháng 10/2018 tăng còn do trong tháng qua có 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, qua đó làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,65% làm tăng CPI chung 0,03%.
Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá. Bao gồm, nhóm giao thông - tăng 1,55%; giáo dục - tăng 0,58%; nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,31%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống - tăng 0,22%; may mặc, mũ nón và giầy dép - tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác - tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá - tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,04%.
Với mức tăng này, theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10/2018 tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,54% so với tháng 12 năm trước. Trong khi đó, CPI bình quân mười tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Như vậy, vẫn còn dư địa điều hành để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2018.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2018 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,67% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ tăng 1,43%.
Bình quân 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.
“Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,18% đến 1,67%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,43% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định”, Tổng cục Thống kê nhận định.