Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 4/2016 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; và tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước. Trong khi đó, nếu tính bình quân, CPI 4 tháng đầu năm 2016 tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính từ năm 2015 trở lại đây, thì CPI tháng 4 năm nay có mức tăng cao nhất trong các tháng 4 của các năm còn lại.
Cụ thể, CPI các tháng 4 từ năm 2012 đến nay lần lượt tăng 0,05%; 0,02%; 0,08%; 014% và 0,33% so với tháng trước.
Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ, CPI 4 tháng đầu năm nay thuộc diện thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ cao hơn mức tăng 0,99% của tháng 4 năm ngoái.
Năm 2008, là năm Việt Nam có lạm phát cao, CPI tháng 4 tăng tới 21,42% so với cùng kỳ. Còn năm 2011, mức tăng này là 17,51%.
Như vậy, sau 4 tháng, lạm phát theo cách tính của Việt Nam đang ở mức 1,33%, vẫn còn nhiều dư địa cho điều hành lạm phát trong năm nay.
Quay trở lại với diễn biến CPI tháng 4/2016, nguyên nhân làm tăng CPI chủ yếu là do chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11%.
Việc các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, bên cạnh đó tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, việc tăng giá lương thực chủ yếu là do tác động về mặt tâm lý và hiện tượng này chỉ mang tính chất nhất thời vì cân đối cung- cầu không xảy ra hiện tượng chênh lệch lớn.
“Trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippines nên giá xuất khẩu gạo khó tăng cao được”, Tổng cục Thống kê dự báo.
Việc giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diezen tăng 290 đồng/lít vào các ngày 21/3/2016 và ngày 5/4/2016 cũng dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%...
Giá dịch vụ y tế tăng 0,47%, do một số tỉnh trong tháng này mới điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, cũng tác động làm tăng CPI chung.
Tháng 4/2016, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng giá, với mức tăng cụ thể như sau: Giao thông tăng 1,73%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,71%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%; Giáo dục tăng 0,37%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,1%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%.
Bên cạnh đó, có 2 nhóm hàng ổn định là hàng ăn và dịch vụ ăn uống và bưu chính - viễn thông. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm nhẹ 0,01%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4/2016 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,76% so với cùng kỳ; 4 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,76%.
Trong tháng 4, yếu tố chi phí đẩy giảm - là giá thực phẩm giảm, biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý nên lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản.