Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. Nguyên nhân khiến CPI tháng 7/2023 tăng khá cao là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch.
So với tháng 12/2022, CPI tháng Bảy tăng 1,13%; còn so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Trong khi đó, bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, giá cả hàng hóa thị trường vẫn đang được kiểm soát tốt. Lạm phát ngày càng có độ doãng lớn hơn so với mục tiêu điều hành 4,5% trong năm nay. Điều này tạo dư địa để thực thi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như điều hành giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước gần đây cũng cho rằng, lạm phát năm nay của Việt Nam có thể sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4%.
Mới đây nhất, cách đây 1 tuần, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, lạm phát của các nước châu Á nói chung sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch, khi giá nhiên liệu và lương thực giảm. Dự báo, mức lạm phát ở các nước châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4/2023 của ADB.
Với riêng Việt Nam, ADB dự báo lạm phát sẽ chậm lại ở mức 4% trong cả năm 2023 và 2024.
Giá cả hàng hóa thị trường đang hạ nhiệt |
Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa thị trường tháng 7/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, trong rổ hàng hóa tính CPI, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng tới 2,84%. Trong đó, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,86%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,37%; đồ dùng cá nhân tăng 0,14%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 0,12%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63%. Trong đó, lương thực tăng 0,31%, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,79%, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39%, tác động làm CPI tăng 0,03 điểm phần tră
Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%.
Nhóm giao thông cũng tăng 0,11% do đang mùa cao điểm du lịch nên giá dịch vụ giao thông công cộng và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại đều tăng khoảng 0,5%.
Hai nhóm hàng hóa còn lại tăng giá là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; và nhóm giáo dục, tương ứng tăng 0,05% và 003%.
Ngược lại, nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,12%, chủ yếu do điện thoại di động và cố định thế hệ cũ giảm.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%). Đây vẫn tiếp tục là điều đáng chú ý.
Nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát cơ bản tăng là do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44%, khiến tốc độ tăng của CPI chung được kiềm chế. Tuy nhiên, nhóm hàng này lại được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng Bảy, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2023 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 3,27% so với tháng 12/2022; tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 1,06%.
Trong khi đó, chỉ số giá USD tháng 7/2023 tăng 0,53% so với tháng trước; giảm 1,71% so với tháng 12/2022; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 2,39%.