Thời sự
CPI tháng Tết chỉ tăng 0,55%, thấp trong 10 năm qua
Nguyên Đức - 24/02/2014 22:23
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 - tháng có Tết Âm lịch - chỉ tăng 0,55% so với tháng trước. Điều này khiến dư luận lo ngại về sức mua của nền kinh tế. >>> Thêm nhiều DN ra khỏi diện nhà nước nắm vốn chi phối >>> Xuất khẩu gạo tháng 2/2014 dự kiến đạt  350.000 tấn >>> Tháng 2/2014: Ban hành nghị quyết thoái vốn DNNN

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ, mức tăng là 4,65%, còn so với tháng 12/2013, tăng 1,24%.

Trong tháng 2/204, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,6%

Đây là mức tăng khá thấp nếu so với 10 năm gần đây. Và cũng là điều đã được dự đoán trước sau khi giá cả dịp Tết Nguyên đán không có nhiều biến động so với tháng trước đó, giống như vẫn thường thấy.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2014, ngoại trừ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá 1,15% so với tháng 1/2014, các nhóm hàng còn lại đều tăng thấp.

Cụ thể, đồ uống và thuốc lá tăng 0,6%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; giao thông tăng 0,66%...

Trong khi đó, nhóm viễn thông tiếp tục giảm giá 0,02%, còn nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%.

Nhìn vào diễn biến của rổ hàng hóa tính CPI tháng 2/2014, có thể thấy, việc CPI tháng này chủ yếu là do sự tăng giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm hiện giữ quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI.

Trong nhóm này, lương thực tăng 0,68%; thực phẩm tăng 1,16%, còn ăn uống ngoài gia đình tăng 1,6%.

Như vậy, cả hai tháng đầu năm nay, dù vào dịp Tết, nhu cầu tăng cao, song CPI chỉ tăng thấp. Điều này được cho là vì sức mua của thị trường trong nước không lớn, cầu hàng hóa tiếp tục ở mức thấp.

Động thái này khiến không ít quan điểm cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục khó khăn. Lý do là vì, sức mua thấp, doanh nghiệp không có động lực để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh.

Liên quan tới vấn đề này, một báo cáo được công bố ngày 24/2 của Ngân hàng HSBC cho rằng, việc CPI thấp hơn kỳ vọng cho thấy các hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị cản trở bởi niềm tin yếu của người tiêu dùng.

“Số liệu lạm phát tháng 2 cho thấy, các hoạt động kinh tế tiếp tục bị kéo xuống bởi niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp”, HSBC nhận định.

Nhu cầu thị trường nội địa thấp hơn dự báo, giá cả thấp khiến nhiều quan điểm cho rằng, lạm phát năm nay khó có thể tăng cao.

Tin liên quan
Tin khác