Sức khỏe doanh nghiệp
CTS: Đánh giá lại khoản đầu tư vào Thaco giúp tăng thêm 332,4 tỷ đồng trong năm 2022
Duy Bắc - 07/02/2023 09:14
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã CTS – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu giảm 57,4% và lỗ 3,3 tỷ đồng trong quý IV/2022, lũy kế cả năm giảm 81,6% về 71,07 tỷ đồng.

Lỗ trở lại sau 10 quý có lãi liên tiếp

Trong quý IV/2022, Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu đạt 191,95 tỷ đồng, giảm 57,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 3,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 189,79 tỷ đồng, tức giảm 193,09 tỷ đồng.

Được biết, quý lỗ gần nhất của Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam là quý I/2020 với giá trị lỗ 91,97 tỷ đồng. Như vậy, trải qua 10 quý liên tiếp có lãi, Công ty quay trở lại lỗ trong quý cuối năm 2022.

Trong kỳ, tổng chi phí giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,67 tỷ đồng về 97,62 tỷ đồng; tổng chi phí tài chính tăng 41,5%, tương ứng tăng thêm 19,44 tỷ đồng lên 66,28 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8,9%, tương ứng tăng thêm 2,97 tỷ đồng lên 36,2 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về cơ cấu doanh thu, tổng doanh thu giảm 57,4% chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 69,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 221,87 tỷ đồng về 95,48 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 51,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 14,22 tỷ đồng về 13,5 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 59,7%, tương ứng giảm 30,8 tỷ đồng về 20,76 tỷ đồng. Ngược lại, lãi từ các khoản cho vay và phải thu lại tăng 21,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 9,06 tỷ đồng lên 51 tỷ đồng …

Như vậy, doanh thu trong quý IV giảm chủ yếu do hoạt động tự doanh thu sụt giảm, doanh thu môi giới giảm.

Lũy kế trong năm 2022, Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu đạt 872,16 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 71,07 tỷ đồng, giảm 81,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 505,17 tỷ đồng và cổ tức dự kiến 10%. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 78,79 tỷ đồng, Công ty không hoàn  thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành, tỷ lệ hoàn thành chỉ 15,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đánh giá lại khoản đầu tư vào Thaco năm 2022 tăng 332,4 tỷ đồng

Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam giảm 24,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.648,73 tỷ đồng, về còn 5.037 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu 1.803,5 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chiếm 35,8% tổng tài sản; 1.510,2 tỷ đồng các khoản cho vay, chiếm 30% tổng tài sản; 1.170,3 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chiếm 23,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 45,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 967,3 tỷ đồng, về 1.170,3 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 62,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 210,24 tỷ đồng, về 126,35 tỷ đồng …

CTS đánh giá lại chủ yếu cổ phiếu chưa niêm yết năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam có thuyết minh trong năm tài sản FVTPL đánh giá tăng 423,1 tỷ đồng, đánh giá giảm 220,3 tỷ đồng, tức tăng ròng 202,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do đánh giá tăng 333,5 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết.

Cổ phiếu chưa niêm yết chủ yếu là cổ phiếu Thaco (Nguồn: BCTC).

Được biết, trong danh mục cổ phiếu chưa niêm yết, chủ yếu là khoản đầu tư vào CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Trong đó, quý I/2022 đánh giá tăng 134,8 tỷ đồng; quý II/2022 đánh giá tăng 154,9 tỷ đồng; và quý IV/2022 đánh giá tăng thêm 42,7 tỷ đồng.

CTS liên tục đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Ô tô Trường Hải trong năm 2022 (Nguồn: BCTC).

Như vậy, riêng trong năm 2022, khoản đánh giá lại khi đầu tư vào Thaco giúp Công ty tăng thêm 332,4 tỷ đồng.

Nếu loại bỏ khoản đầu tư vào Thaco, nhiều khả năng Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam có thể lỗ so với báo cáo lãi 71,07 tỷ đồng trong năm 2022.

Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn giảm 25% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.025,3 tỷ đồng, về còn 3.075,1 tỷ đồng và chiếm 61,1% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu CTS tăng 100 đồng lên 13.600 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác