Huyện Cù Lao Dung có vị trí địa lý thuận lợi, là dãy đất nằm giữa dòng sông Hậu, cuối nguồn Cửu Long đổ ra biển Đông, nằm trong vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng. Từ Cù Lao Dung, có thể giao thương thuận tiện với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long qua hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ.
Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch. Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, huyện có lợi thế rất lớn với 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn để phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Nhờ nguồn đất phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Cù Lao Dung có nhiều vườn cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện Cù Lao Dung có vị trí thuận lợi, dễ dàng kết nối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Với hơn 360 con sông, rạch và 17 km bờ biển, Cù Lao Dung còn có tiềm năng khai thác và nuôi trồng thủy - hải sản công nghiệp và bán công nghiệp, nhất là nuôi tôm nước lợ, rất hiệu quả. Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế khả quan.
Huyện đang đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để chuyển mạnh cây mía sang cây trồng hiệu quả khác theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, Cù Lao Dung còn có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.
Cù Lao Dung có khu vực bãi bồi ven biển rộng hơn 16.000 ha, hội đủ tiềm năng, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển dự án năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời trong tương lai. Đây cũng là một trong những định hướng thu hút đầu tư của tỉnh vào các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Sở hữu vẻ đẹp nên thơ, sông nước hữu tình với những nét đặc trưng riêng, Cù Lao Dung có điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Nơi đây có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền; hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao, hội tụ đầy đủ những điều kiện để đầu tư xây dựng khu văn hóa tín ngưỡng, phát triển du lịch tâm linh.
Du lịch về nguồn tại Cù Lao Dung gắn với truyền thống cách mạng và các di tích lịch sử như Di tích cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Bia Chiến thắng Rạch Già, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng…
Du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn tại Cù Lao Dung cũng rất hấp dẫn với nhiều hoạt động phong phú như: tham quan nhà vườn, hái trái cây; nghe hát đờn ca tài tử; khám phá rừng phòng hộ nguyên sinh hơn 1.400 ha; trải nghiệm ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi thủy triều rút tại bãi nghêu rộng hơn 800 ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của Đảo khỉ; đi thuyền trên sông, tham gia hành trình tìm lại 1 trong 9 cửa sông Cửu Long…
Với những tiềm năng, lợi thế riêng do thiên nhiên ban tặng, Cù Lao Dung như một viên ngọc quý đang cần được đầu tư, khai thác. Những dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện như Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường trung tâm chạy dọc cù lao; Dự án Xây dựng bến phà kết nối Cù Lao Dung - Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) và Cù Lao Dung - Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh); Dự án cầu Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60… khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần đưa Cù Lao Dung trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.