Thời sự
Cử tri đề nghị xử lý nghiêm hành vi trục lợi khi đưa công dân về nước
Nguyễn Lê - 15/02/2022 11:39
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt, cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết như trên tại báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội, trong phiên họp sáng 15/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài vấn đề trên, theo báo cáo, cử tri và Nhân dân còn đặc biệt quan tâm về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân cũng là vấn đề khiến cử tri quan tâm và đề nghị xử lý nghiêm vi phạm.

Tham gia thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phản ánh, qua đi thăm và tặng quà dịp Tết Nguyên đán vừa qua thì thấy dịch bùng phát mạnh ở một số địa phương, nhưng một số người phải điều trị cách ly tại nhà lại cho biết không nhận được sự hướng dẫn nào của cơ quan y tế.

Bà Thanh nêu hai lý do, một là do hệ thống y tế quá tải nên có nhiều trường hợp không tiếp cận được và hai là cán bộ y tế thiếu trách nhiệm, thiếu thuốc men.

Cử tri cũng lo lắng là thuốc điều trị cho trẻ em  mắc Covid - 19 như thế nào, nếu trẻ em bị bệnh lý từ nhỏ về phổi thì có biểu hiện nặng gia đình hoang mang vì không có thuốc để điều trị, bà Thanh nói.

Vẫn theo Trưởng ban Công tác đại biểu thì chế độ cho cán bộ y tế phòng chống dịch quá thấp và không kịp thời nên số cán bộ ở địa phương xin nghỉ quá lớn.

Bà thanh lấy một ví dụ cụ thể là một nhóm cán bộ, nhân viên y tế 5 người thực hiện tiêm cho hơn 1.000 người thì chế độ được hưởng là 150 ngàn đồng nhưng thực nhận chỉ có 125 ngàn, còn trung tâm y tế bớt lại 25 ngàn. Anh em rất kêu ca phàn nàn và kêu ca là đúng, bà Thanh phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu một số vấn đề nổi lên gần đây trong giao dịch đất đai, quản lý xăng dầu và nhắc nhở các cơ quan của Quốc hội cần chủ động trong lĩnh vực phụ trách.

Việc núp bóng người Việt mua đất không rộ lên như giai đoạn năm 2015 - 2016 nhưng vẫn ngấm ngầm xảy ra, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Chậm lương, giảm thưởng khiến công nhân đình công

Liên quan đến tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Bình phản ánh, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng tình trạng công dân tập trung đông người, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo. 

Cụ thể hơn, ông Bình cho biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, một số đối tượng tự ý chuyển đổi, lập dự án bất động sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, gây bức xúc cho người dân. Một số số vụ việc công dân không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ đã có những hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế, giải phóng mặt bằng.

Khiếu kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nơi tạo thành điểm nóng về khiếu kiện. Nội dung chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất khí thải, gây ô nhiễm môi trường .

Công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do nhiều Công ty chậm chi trả tiền lương, giảm thưởng Tết cho người lao động, dẫn đến công nhân tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi, như công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh; Công ty Meraki thuộc khu công nghiệp Đồng An, phường Bình Hòa, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương; Công ty TNHH Hwaseung Vina, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Công ty Gtwill Việt Nam thuộc cụm công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai…

Tại báo cáo, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp để kịp thời giải quyết dứt điểm không để phát sinh điểm nóng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn đang diễn ra phức tạp.

Cơ quan báo cáo cũng đề nghị  tăng cường công tác thanh kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm đối với số đơn thư do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến hoặc đã có kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả giải quyết theo quy định.

Tin liên quan
Tin khác