Tín hiệu lạc quan và tham vọng của người chơi
Theo khảo sát của Neilsen, 73% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao; 39% người tiêu dùng xem sức khỏe là một trong những mối quan tâm hàng đầu; 86% người tiêu dùng đến cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm và đồ uống.
Những con số trên đã giải thích vì sao không chỉ các nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước coi việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là kênh chiến lược, mà các doanh nghiệp sản xuất cũng thành lập nhóm chuyên phát triển mô hình này trong giai đoạn tới.
Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, bắt kịp nhanh chóng với xu hướng mới, đã tạo cơ hội kinh doanh cho các cửa hàng tiện lợi |
Thương hiệu VinMart+ (Vingroup) là một ví dụ. Với mục tiêu phục vụ “Gần hơn - Nhanh hơn” cho người dân thành phố, đặc biệt là chị em nội trợ, Vingroup đã mở hơn 30 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2017, Vingroup đặt mục tiêu khai trương 1.000 cửa hàng VinMart+. Riêng năm 2015, sẽ có khoảng 200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, củng cố hệ thống và gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ người tiêu dùng. Việc liên tục mở rộng thị trường với những vị trí kinh doanh đắc địa, cho thấy sự năng động trong chiến lược mở rộng và tiếp cận người tiêu dùng của Vingroup.
Với Saigon Co.op, sau khi mục tiêu đến năm 2015 mở 100 siêu thị Co.opmart không khả thi, đã chuyển sang phát triển mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food. Đây là chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ, tăng thị phần, bổ sung các kênh bán lẻ hiện hữu, mang lại tiện ích mới cho người tiêu dùng.
Nhận định về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Kigure Takehiko, Giám đốc điều hành chuỗi FamilyMart (Nhật Bản) nói: “Thái Lan chỉ gần 70 triệu dân nhưng đã có 10.000 cửa hàng tiện lợi; Nhật Bản có 130 triệu dân nhưng có đến 50.000 cửa hàng. Trong khi đó, Việt Nam với hơn 90 triệu dân thì cần phát triển khoảng 15.000 cửa hàng tiện lợi trên cả nước mới đáp ứng được nhu cầu”. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có chưa đến 1.000 cửa hàng tiện lợi. Do đó, FamilyMart đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ đẩy mạnh đầu tư gấp 10 lần so với hiện tại, tức nâng 100 cửa hàng tiện ích hiện tại lên con số 1.000.
Không chỉ các nhà phân phối, bán lẻ mới tích cực thực thi chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ, tăng tiện ích mới cho người tiêu dùng, mà các nhà sản xuất thực phẩm tiêu dùng cũng không đứng ngoài cuộc. “Chúng tôi đã đầu tư vào kênh cửa hàng tiện lợi được 2 năm nay. Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, bắt kịp nhanh chóng với xu hướng mới, đã tạo cơ hội kinh doanh cho chúng tôi. Chắc chắn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, minimart này sẽ tác động mạnh đến các cửa hàng truyền thống, siêu thị lớn”, đại diện một công ty đa quốc gia về hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam cho biết.
Làm sao để phủ sóng tràn ngập?
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cách đây 10 năm, chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 (Trung Nguyên) mở ra khá rầm rộ nhưng thất bại vì người tiêu dùng thời điểm đó chưa quen với sự tiện lợi của mua sắm hiện đại. Ngoài ra, người tiêu dùng có thói quen so sánh giá mua ở cửa hàng tiện lợi với chợ truyền thống, họ không quen phải trả thêm tiền cho dịch vụ đem đến sự tiện lợi đó. Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn còn thiếu kinh nghiệm và khó kiếm được mặt bằng tốt. Nhưng hiện nay mô hình kinh doanh này đang quay trở lại như trào lưu, thậm chí sẽ bùng nổ hơn so với mô hình đại siêu thị.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Neilsen Việt Nam nhận định, tương lai của mô hình này sẽ phát triển mạnh vì có sự di chuyển từ các thành phố lớn về tỉnh lẻ, để tận dụng tăng trưởng sức mua của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để hấp dẫn người tiêu dùng, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini cần đáp ứng tất cả nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt phải cung cấp được các sản phẩm tươi sống, thức ăn nhanh, dòng sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, địa điểm phải tiện lợi, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng 24/24 giờ.
Theo ông Phạm Hữu Thìn, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), để thành công theo mô hình chuỗi này thì mỗi thương hiệu cần thiết lập ít nhất 100 cửa hàng thì mới đủ sức cạnh tranh với các cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Ngoài ra, hiện nhiều cửa hàng tạp hóa truyền thống cũng đang tự làm mới mình bằng cách tu sửa lại, thêm dịch vụ, trưng bày sản phẩm hiện đại hơn. Các doanh nghiệp nên kết hợp với hộ gia đình để tận dụng vị trí tốt, mở chuỗi được nhanh nhất.