Việc sửa Luật thuế là để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh, khuyến khích đầu tư. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Trước khi thảo luận tại Hội trường về Dự thảo luật này vào ngày hôm nay (13/11), nhiều đại biểu chia sẻ rằng, “cực chẳng đã” vì năm nào, Quốc hội cũng phải sửa các luật về thuế. Mấy năm qua, năm nào cũng phải sửa 3 - 4 luật thuế, thậm chí như Luật Thuế giá trị gia tăng mới được sửa đổi năm 2013, nhưng năm 2014 lại phải sửa lần nữa. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi năm 2014 và phải tới ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực. Còn Luật Quản lý thuế mới được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và cũng chỉ mới đi vào cuộc sống từ đầu năm 2015.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, về lý luận thì đúng là văn bản quy phạm pháp luật nào chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt đời sống, hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, cản trở cải cách thủ tục hành chính, không phù hợp với thông lệ quốc tế thì phải sửa. “Nhưng không thể để tình trạng luật vừa sửa xong đã sửa, có luật mới thực hiện được nửa năm, có luật chưa có hiệu lực đã sửa. Từ lần sau trở đi, khi trình bất cứ luật nào đó, ban soạn thảo phải bảo đảm với Quốc hội là luật phải sống ít nhất được 2 - 4 năm, nếu không, dứt khoát không cho trình ra Quốc hội. Bởi luật cứ sửa liên tục như thế này, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không biết đâu mà lần”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng phàn nàn trước thực tế là hệ thống các luật thuế rất thiếu ổn định, năm nào cũng sửa. Mặc dù luật thuế có tính đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng theo ông Cường, năm nào cũng sửa thuế thì sẽ có “phản ứng phụ” đối với doanh nghiệp và ngay cả với cơ quan thuế, vì rất khó để biết luật thuế nào mới nhất, luật thuế nào đã được sửa, sửa những nội dung gì, sửa tại luật thuế nào.
“Cứ sau kỳ họp Quốc hội đầu năm, Bộ Tài chính lại trình sửa luật thuế vào kỳ họp cuối năm và phải thông qua ngay tại một kỳ họp vì rất cấp bách, cần phải sửa ngay, tức là dồn Quốc hội vào ‘thế đã rồi’. Nhưng trên thực tế thì vài năm nay, các luật thuế chỉ được sửa lắt nhắt, vụn vặt”, ông Cường phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng, tinh thần chung khi sửa luật thuế là khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Cụ thể vào Dự thảo Luật về thuế, ông Bình cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô có du tích xilanh dưới 2.000 cm3 được Ban soạn thảo thuyết phục là để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, mới nghe qua khá thuyết phục. “Nhưng tôi muốn hỏi lại khi giảm thuế có bảo đảm phát triển được ngành công nghiệp ô tô không? Có bảo đảm phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ không? Phát triển bằng cách nào? Phát triển đến đâu?”, ông Bình đặt câu hỏi.
Một trong những người tham gia thẩm định Dự thảo Luật về thuế, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiết lộ, chỉ cách đây vài tháng, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình làm việc của Kỳ họp Quốc hội thứ 10 về việc sửa Luật về thuế. “Thực ra, các điều sửa cũng chưa quá cấp bách. Cụ thể như chưa miễn tiền thuế phi nông nghiệp cũng chưa chết ai, chưa giảm mức phạt chậm nộp cũng chưa ảnh hưởng gì, chưa giảm thuế cho ô tô cũng chẳng sao…”, ông Chiểu nhấn mạnh.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu được Quốc hội thông qua (dự kiến vào cuối kỳ họp thứ 10), năm 2016, riêng thuế giá trị gia tăng sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm được 18.000 tỷ đồng nhờ giảm được tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, đem về cho ngân sách 1.935 tỷ đồng, sau khi trừ đi 1.242 tỷ đồng tiền giảm thu do xóa tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có số thuế phải nộp dưới 50.000 đồng/năm và xóa tiền nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước cổ phẩn hóa do sửa Luật Quản lý thuế thì việc sửa 3 luật thuế này hàng năm sẽ đem lại cho ngân sách khoản tiền không hề nhỏ.
“Nói sửa thuế là để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh, khuyến khích đầu tư, nhưng sửa thuế mà ngân sách lại tăng thu thì lý do sửa thuế này không thuyết phục, vì trên thực tế, doanh nghiệp phải đóng góp nặng hơn”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn bình luận.
Mặc dù cho rằng, lập luận về việc sửa thuế là khuyến khích doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa thuyết phục, nhưng cũng giống như nhiều đại biểu Quốc hội khác, “cực chẳng đã”, ông Sơn cũng phải đồng ý đề nghị Quốc hội xem xét thông qua luật này vào cuối kỳ họp.
“Sửa 3 luật thuế lần này có bảo đảm chống thất thu, chống gian lận thuế, chống chuyển giá được không? Nếu không đạt được mục đích này, thì chừng này sang năm, Bộ Tài chính sẽ lại “hớt hải” trình Chính phủ, Quốc hội rằng, cần phải sửa ngay một số luật thuế vì cần thiết lắm, cấp thiết lắm, không sửa không được. Theo tôi, cần phải tính lại tác động của 3 luật này tới doanh nghiệp ra sao, tới hoạt động sản xuất, kinh doanh thế nào, chứ các thành viên Ban soạn thảo đừng chỉ ngồi ở phòng máy lạnh tại Hà Nội nghe một số doanh nghiệp kêu khó khăn rồi đề nghị sửa luật này, luật khác”, ông Sơn nói thêm.