Ông Vi Kiến Thành |
Địa phương e ngại, nghệ sĩ không chuyên
Ở cương vị hiện tại, ông có thường phải nghe những phản hồi về công tác cấp phép triển lãm ảnh nude, thưa ông?
Tôi thú thực là quanh năm suốt tháng. Nhiều lúc tôi tự nhủ mình làm ở cương vị này “người yêu thì ít mà người ghét thì nhiều”. Nhưng cũng đành phải chịu nghe người ta phàn nàn, biết làm sao được.
Vậy xin hỏi ông, có thực như các nghệ sĩ phản ánh là triển lãm ảnh nude bị hạn chế, bó hẹp, thậm chí là cấm?
Thực ra anh em nghệ sĩ chụp ảnh nude thường muốn thổi vấn đề lên thôi. Bản chất câu chuyện không có gì cả. Về mặt quản lý nhà nước, trong văn bản luật pháp như Nghị định, Quy chế, Thông tư không có một điều nào ngăn cấm cấp phép triển lãm ảnh nude. Còn trong hệ thống quy định cũng có liệt kê những điều không được làm trong hoạt động nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ vi phạm, ví dụ thuần phong mỹ tục hay chính trị, thì triển lãm sẽ bị ngăn. Việc cấp phép xưa nay vẫn dựa theo đó.
Thế tại sao triển lãm mới đây của Phan Hạo Nhiên lại được gọi bằng những từ như “xé rào”, “mở cửa”, “đột phá”?
Trên thực tế, đúng là có những triển lãm ảnh nude bị dừng ở khâu cấp phép như của các anh Thái Phiên, Trần Huy Hoan, Lê Quang Châu trước đây.
Trước tiên, từ phía cơ quan quản lý địa phương là các Sở Văn hóa, đúng là có sự e ngại nhất định với ảnh nude. Nhưng về phía nghệ sĩ, nhiều người cũng chưa đáp ứng được quy định luật pháp. Ví dụ như Nghị định 72 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh có điều khoản yêu cầu: Hồ sơ xin cấp phép triển lãm phải đi kèm thoả thuận văn bản của người mẫu và người chụp, trong trường hợp ảnh lộ rõ mặt người mẫu. Nhưng anh em nghệ sĩ hầu như thiếu bản thoả thuận này, nên phần đông không được cấp phép.
Vừa rồi, anh Phan Hạo Nhiên có động thái xử lý tình huống khéo léo: Cắt cúp gần như không có ảnh nào lộ mặt cả. Thành ra không cần thoả thuận trên và được cấp phép trơn tru.
Tại sao lại phải có điều khoản về thỏa thuận như vậy thưa ông? Vì nó mà nhiều nghệ sĩ lỡ dở cơ hội có triển lãm riêng, theo ông có hợp lý?
Điều khoản đó là hoàn toàn hợp lý. Giả sử không có thỏa thuận mà khi công bố ảnh nude lên, gia đình hay người yêu cô người mẫu đó có đơn thư thắc mắc, mâu thuẫn giải quyết thế nào? Người làm quản lý nghệ thuật, ngoài công bố tác phẩm còn phải tính đến sự ổn định xã hội. Câu chuyện đau lòng vì chụp ảnh nude của cố nhiếp ảnh gia Trọng Thanh vẫn còn đó.
Anh em nghệ sĩ chụp ảnh nude phần lớn chỉ dừng ở mức thoả thuận miệng. Theo kiểu: Anh muốn chụp ảnh nude của em, vì nghệ thuật nọ kia, mong các em cống hiến sắc đẹp cho nghệ thuật. Và chẳng có văn bản thoả thuận gì. Đó là sự không chuyên nghiệp.
Điều khoản này hình như chỉ áp dụng với ảnh nude, còn tranh nude thì không?
Đúng vậy và mọi thứ đều có lý do của nó. Tranh nude đã qua bàn tay, tư duy sáng tạo của người họa sĩ. Có hư cấu, áp đặt theo chủ quan cá nhân. Đặc biệt, giới hoạ sĩ đương đại ngày nay không lấy tiêu chuẩn giống làm đầu. Mức độ thật để nhận biết người mẫu là rất ít. Còn ảnh nude là người thật, việc thật. Mẫu ra sao chụp đúng như vậy, người xem có thể nhận diện được ngay. Thành ra chỉ có ảnh nude mới cần điều khoản thoả thuận như trong Nghị định 72.
Có nghệ sĩ đặt vấn đề cần Hội đồng nghệ thuật xét duyệt, thay vì các sở văn hóa vốn chỉ biết dựa vào văn bản luật?
Quy trình cấp phép triển lãm ảnh nude hiện nay không cần qua một Hội đồng nghệ thuật nào cả. Lãnh đạo Sở, trên là lãnh đạo Cục là những người sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng để ký giấy phép. Cần thiết lắm mới phải thành lập hội đồng nghệ thuật để giúp đỡ người cấp phép.
Nhưng ngay cả hội đồng đó cũng không can thiệp nhiều về mặt chuyên môn. Công việc của họ là xem xét vấn đề thuần phong mỹ tục, chính trị. Không dính dáng gì sẽ qua trót lọt. Vậy nên, các tác giả phải tự chịu trách nhiệm về nghệ thuật trước xã hội.
Lại nói về thuần phong mỹ tục, đây dường như là tiêu chí rất cảm tính, rất khó xác định ranh giới nude dung tục và nude nghệ thuật?
Nghệ thuật không thể đòi hỏi như toán học. Ai mà đòi đưa ra một tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là nude nghệ thuật, thế nào là nude dung tục là một kiểu suy nghĩ ngụy biện. Thẩm nghệ thuật cần nhiều yếu tố như tầng văn hoá, quan điểm thẩm mỹ chứ không có cái nào khuôn mẫu như toán học.
Một tác phẩm trong triển lãm ảnh nude mang tên “Tạo tác”của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên |
Bất lực trước ảnh nude trên mạng
Thưa ông, hiện nay nhiều nghệ sĩ chụp ảnh nude thay vì xin cấp phép đã chọn cách phổ biến tác phẩm trên mạng Internet. Và bên cạnh ảnh nude nghệ thuật, thì hiển nhiên có cả dung tục, trần trụi…
Khi xây dựng Nghị định 72 về nhiếp ảnh, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với Bộ Thông tin & Truyền thông về giải pháp quản lý ảnh trên mạng xã hội, trong bối cảnh có quá nhiều bất cập như hiện nay. Nhưng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đưa ra đủ mọi lý do chỉ để chốt lại bằng 2 từ bất lực. Không phải những người soạn thảo Nghị định bỏ qua trường hợp đăng tải trên Internet mà do chính Bộ này không thể kiểm soát được mặt trái của công nghệ. Không chỉ riêng chúng ta, mà cả các nước khác cũng như vậy, chào thua trước tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ hiện nay.
Nhưng đó là phía quản lý công nghệ, còn giới quản lý nghệ thuật thì sao, thưa ông, chẳng lẽ cũng đành bó tay? Vừa mở cửa cho triển lãm, vừa chịu thua ảnh nude phát tán trên mạng dường như tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.
Với việc mở cửa cho triển lãm ảnh nude, Nghị định 72 đã bao trùm hết cả. Hãy yên tâm là không dễ gì mà tuỳ tiện, bừa bãi được. Vẫn có những quy định, không phải muốn làm gì thì làm đâu.
Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL), mỗi năm cả nước có gần 500 triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh ở các quy mô khác nhau. Với mỗi triển lãm, cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp phải thẩm định, cấp phép. Bên cạnh đó, lực lượng thanh, kiểm tra cũng thường xuyên giám sát, hậu kiểm để phát hiện và xử lý vi phạm. Triển lãm “Tạo tác” của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên vừa diễn ra giữa tháng 9 tại TP Hồ Chí Minh, gây chú ý trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh bởi đây là triển lãm chuyên đề ảnh nude đầu tiên được cấp phép ở nước ta. |
Còn khi có người cố tình khai thác sự bất lực trong quản lý mạng, thì chính việc mở cửa triển lãm ảnh nude là cách thích nghi tốt nhất. Các triển lãm vừa được cấp phép thời gian qua là tín hiệu khích lệ ảnh nude vì nghệ thuật, để đối trọng lại với ảnh nude độc hại, phản cảm. Chúng ta đưa ra những triển lãm nghệ thuật thực sự tới công chúng, cho thấy nghệ thuật lành mạnh, ca ngợi cái đẹp, thẩm mỹ cơ thể của người phụ nữ để người xem nhận thức được vấn đề: “À! Thế nào là ảnh nude tốt”.
Về dự định bỏ cấp phép triển lãm, thay vào đó sẽ thực hiện hậu kiểm mà ông đề xuất trong Hội thảo Tự do sáng tạo và sự đa dạng cả các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam vừa qua, có phải ông cũng muốn sẽ cố gắng loại bỏ việc cấp phép triển lãm?
Đó mới chỉ là một đề xuất của tôi, chưa thành văn bản được. Theo đó, khi xây dựng Luật Mỹ thuật cụ thể sẽ cân nhắc triển khai hậu kiểm hay tiền kiểm các triển lãm. Nếu dùng hậu kiểm sẽ không còn khâu cấp phép nữa và ngược lại.
Thực ra, mỗi cái đều có cái khó và dễ. Tiền kiểm như hiện nay đang chứng kiến. Còn hậu kiểm theo dự định sẽ gây khó dễ cho lực lượng quản lý. Hậu kiểm rất cần người, cuộc nào cũng sẽ phải tới tận nơi để xem xét. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ của chúng ta, từ Trung ương tới địa phương rất mỏng ở lĩnh vực này. Xu thế giảm biên chế lại đang quyết liệt. Vậy nên, tôi đang cân nhắc vấn đề này thật kỹ lưỡng.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!